Bulgaria: Nguy cơ khủng hoảng kép

Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 14/05/2013

(HNM) - Xứ Hoa hồng một lần nữa đứng trước nguy cơ rơi vào bế tắc chính trị và đối mặt với làn sóng biểu tình mới khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 12-5 được công bố.


Theo thông báo của ủy ban bầu cử, sau khi 70% số phiếu được kiểm, đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển Châu Âu (GERB) theo đường lối bảo thủ của cựu Thủ tướng Boyko Borisov dẫn đầu với 31,4% phiếu bầu, tiếp đến là đảng BSP theo đường lối xã hội chủ nghĩa với 27,4% số phiếu, đảng MRF của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ giành 11,6% và đảng Ataka theo đường lối dân tộc cực đoan được 7,8%...

Người biểu tình đổ ra đường phản đối chính phủ do đảng GERB đứng đầu.


Cuộc bầu cử không mang lại kết quả đột phá cho bất kỳ đảng phái nào của Bulgaria do các cương lĩnh tranh cử không đáp ứng được đòi hỏi của cử tri. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử sớm hơn kỳ hạn hai tháng đã ngăn cản các đảng phái mới nổi có đủ thời gian xây dựng chiến dịch vận động, thuyết phục cử tri. Điều này khiến cử tri buộc phải lựa chọn các đảng phái cùng những gương mặt quen thuộc đúng như toan tính của GERB. Tuy nhiên, không khó để nhận ra sự bất mãn của người dân Bulgaria khi tỷ lệ tham gia bầu cử chỉ đạt hơn 50%.

Trong bối cảnh hiện nay, GERB sẽ phải đàm phán với các đảng khác mới hội đủ số phiếu quá bán để thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, sứ mệnh này không hề đơn giản. Vì ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, BSP và Ataka đã thể hiện rõ lập trường không hợp tác với GERB mà chỉ ủng hộ một nội các chống khủng hoảng gồm các nhà kỹ trị giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Theo các nhà quan sát, nếu không thành lập được chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa diễn ra thì Bulgaria sẽ đối mặt với một cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến vào mùa thu tới. Và như vậy, chính phủ tạm quyền sẽ tiếp tục chèo lái đất nước trong tình hình bấp bênh như hiện nay. Trong trường hợp GERB đàm phán thành công, điều này đồng nghĩa với việc Bulgaria sẽ lại chứng kiến các cuộc biểu tình chống nghèo đói và tham nhũng như đã từng xảy ra làm chấn động quốc gia nhỏ bé này hồi đầu năm mà đỉnh điểm của sự thất vọng là hành động tự thiêu của 7 người - một hiện tượng chưa từng có tại nước Cộng hòa vùng Balkan. Làn sóng phản đối ngày càng lan rộng đã buộc chính phủ của Thủ tướng B.Borisov phải từ chức hôm 20-2 để mở đường cho tổng tuyển cử trước thời hạn vừa diễn ra.

Như vậy, 6 năm sau khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), gần 1/4 dân số Bulgaria vẫn sống dưới mức nghèo theo chuẩn của EU và xứ Hoa hồng hiện là quốc gia nghèo nhất trong liên minh. Bế tắc chính trị đe dọa sẽ tàn phá nền kinh tế vốn đã yếu kém của Bulgaria với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,8% trong năm 2012 và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chiếm tới 18% lực lượng lao động. Nhiều cử tri cho rằng, thay vì tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước, vấn nạn tham nhũng và tình trạng bất bình đẳng xã hội… các chính khách đang dành quá nhiều thời gian cho các cuộc tranh giành quyền lực và làm giàu bản thân. Ngay như EU cũng đã nhiều lần chỉ trích Chính phủ Bulgaria cải cách hệ thống pháp luật không đủ mạnh cũng như thất bại trong chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

Theo các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tiếp tục tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Bulgaria. Mặc dù chính sách cắt giảm chi tiêu khắt khe đã giúp nước này giảm nợ công xuống mức 17%, nhưng nợ của các doanh nghiệp lại tăng cao, chiếm đến 22% GDP năm 2011, trở thành một lực cản đối với tăng trưởng. Để giảm tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề, nước này đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn chính trị đang đe dọa lộ trình cải cách của Bulgaria và đẩy xứ Hoa hồng tới cuộc khủng hoảng kép khiến Sofia tiếp tục chìm sâu vào những vấn đề gai góc.

Quỳnh Chi