Cải cách hành chính và những việc nóng của thành phố

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 14/05/2013

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã có quyết định đúng đắn, rất hợp lòng dân: Năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính.


Chọn chủ đề của năm, cũng có nghĩa là công tác trọng tâm, là nhiệm vụ trọng tâm và đây cũng là lĩnh vực đang tồn tại nhiều yếu kém cần được tập trung thúc đẩy, làm chuyển biến tình hình.

Nói đến kỷ cương hành chính, trước hết là đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải gương mẫu trong việc nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trước công việc. Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người dân và công khai, minh bạch. Đồng thời, không thể không nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục, xử lý thật nghiêm các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh, tắc trách... gây phiền hà cho người dân, cản trở cho quá trình giải quyết công việc.

Với tinh thần của Năm kỷ cương hành chính, dư luận đòi hỏi thành phố phải tập trung xử lý một cách khẩn trương, kiên quyết những vụ việc do chậm trễ, hoặc tiêu cực trong thời gian gần đây, gây bức xúc và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của người cán bộ, công chức và hình ảnh Thủ đô.

Việc phải nêu đầu tiên là một nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tiêm không đủ liều thuốc tiêm chủng cho cháu bé. Mà việc này, dư luận đã xầm xì, nghi ngờ từ trước đó, nay bị "bắt quả tang". Với tất cả những hậu quả về mặt đạo đức lẫn chuyên môn từ việc làm này, Sở Y tế thành phố và các cơ quan có liên quan, cần phải vào cuộc với tinh thần thật khẩn trương và nghiêm túc; không được bao che hoặc giấu giếm khuyết điểm nếu như trên thực tế đã có những người cố tình gây ra, phải xử lý ở mức độ nghiêm khắc nhất để làm gương, giáo dục, cảnh tỉnh cho mọi người.

Có những việc, có phần khó khăn hơn, liên quan đến quy trình, thủ tục, trong đó có quy trình đúng, hợp lý lẫn những quy trình, thủ tục nhiêu khê, xa rời thực tế, thiếu tính khả thi nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục, dẫn tới sự chậm trễ đưa ra phương án tu bổ, chống dột cho chùa Diên Hựu, nằm trong quần thể di tích chùa Một Cột.

Việc mới hơn, cũng đang rất nóng, một việc hy hữu, gần 80 người dân ký đơn xin trả lại danh hiệu Làng cổ Đường Lâm. Thật sự gây không ít ngạc nhiên cho rất nhiều người, nhưng thêm một lần thức tỉnh các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, chuyên gia, học giả... cả trong lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di tích và nhiều lĩnh vực khác, rằng chúng ta phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân hơn nữa.

Có những quyết định, tưởng là rất hay, rất tốt; nhưng với người dân, chưa hẳn là như thế, nếu không có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý, khả thi đi cùng. Phong tặng danh hiệu "Làng cổ Đường Lâm", không ai không nghĩ đó là ý tưởng tốt. Nhưng chỉ tốt về ý tưởng không thôi là chưa đủ với những người đang sống ở Đường Lâm, kính thưa các nhà quản lý văn hóa và du lịch, nếu như chúng ta không quan tâm đến đời sống hiện tại của người dân trong các ngôi nhà cổ, trong không gian làng cổ. Nếu ai đó chỉ chăm chăm lo bảo tồn các ngôi nhà cổ mà lại thiếu đi sự quan tâm đối với những con người đang sống trong ngôi làng đó, ít ra cũng như sự quan tâm bảo vệ các ngôi nhà của chính họ, thì ý tưởng tốt đẹp, hiển nhiên sẽ không thể khả thi.

Điểm qua mấy việc đang nóng sôi sùng sục trên mặt báo tuần qua, để thấy thành phố chúng ta đang có biết bao việc phải làm một cách khẩn trương, bài bản và đồng bộ, với tinh thần cải cách hành chính của Năm kỷ cương hành chính.

Tuy nhiên, cũng xin nói thêm, sẽ là duy ý chí hoặc không khách quan khi có những ý kiến cho rằng, dường như thành phố nghìn năm tuổi của chúng ta đã quá coi nhẹ việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thành phố Hà Nội. Liệu nhận xét đó có là xác đáng? Cái bất cập, thiếu sót, khuyết điểm, như vừa kể trên chỉ là số ít, thậm chí rất nhỏ so với tất cả những gì thành phố Hà Nội đã và đang làm. Thật khó mà kể hết những gì mà thành phố Hà Nội đã làm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, các di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể. Đặc biệt là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: một bộ Bách khoa thư đồ sộ với trên 100 đầu sách; một bộ Tổng tập Thăng Long nghìn năm văn hiến mấy nghìn trang; là xây bảo tàng, thư viện, nhà hát, công viên v.v..., là những quần thể di tích đã được UNESCO công nhận: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; là Tứ trấn Thăng Long, thắng cảnh Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và hàng trăm, hàng nghìn di tích đình, chùa, miếu mạo... trên địa bàn thành phố, đã được sửa sang, tôn tạo, nâng cấp trong nhiều năm qua.

Nhưng tất cả những điều đó, vẫn là chưa đủ so với yêu cầu, đòi hỏi tôn vinh Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, một Thủ đô có bề dày lịch sử, văn hóa hiếm có trên thế giới, với 5.175 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2.251 di tích đã được xếp hạng. Chỉ cần những người quản lý một trong số các di tích đó có biểu hiện lơ là, tắc trách trong công tác bảo tồn, quản lý là dư luận lập tức lên tiếng "kêu cứu". Rất nhiều công việc đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hơn, tích cực hơn với tinh thần của Năm kỷ cương hành chính và đồng thời, cũng đang rất cần một sự đồng thuận, một sự chung tay, góp sức và trách nhiệm hơn của mọi người, cả trong lời nói lẫn việc làm.

Minh Dân