Mong được đóng góp xây dựng đất nước

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:27, 13/05/2013

(HNM) - Sinh ra và trưởng thành ở Thái Lan nhưng vốn tiếng Việt và tài


- Ông có thể chia sẻ đôi chút về đời sống của bà con Việt Nam tại tỉnh Khon Kaen?

- Đã từ lâu bà con người Việt ở tỉnh Khon Kaen nói riêng và ở Thái Lan nói chung coi mình là một bộ phận máu thịt không tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, đặc biệt là Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen và Tổng hội Người Việt Nam toàn Thái, kiều bào tỉnh Khon Kaen đã thành lập Hội người Thái gốc Việt, có trụ sở riêng để các hội đoàn Việt kiều sinh hoạt đều đặn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống nơi đất khách quê người. Hội cũng đã tổ chức các buổi học tiếng Việt cho bà con. Vào những ngày lễ hội lớn của đất nước như Sinh nhật Bác 19-5, Quốc khánh 2-9, bà con đều tổ chức hoạt động chào mừng. Không những vậy, Hội còn là cầu nối để xây dựng tình hữu nghị thân ái với người dân Thái Lan, làm cơ sở để thúc đẩy tình đoàn kết Việt Nam - Thái Lan. Nhìn chung, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhiều con em kiều bào Việt Nam tại Thái Lan đã tiếp nối nhau đóng góp công sức của mình để xây dựng đất nước Việt Nam. Là thế hệ đi sau, chúng tôi quyết không phụ lòng các thế hệ đi trước, tiếp tục đóng góp cho đất nước.

- Ông đã từng nhiều lần dẫn các doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Ông có dự định gì sau chuyến trở về lần này không?

- Theo đoàn kiều bào Việt Nam về dự giỗ Tổ, tôi rất mừng vì được lên Cao Bằng, thăm hang Cốc Pó, tận mắt nhìn thấy nơi Bác Hồ làm việc; dâng hương tại đền Hùng, tôi rất xúc động và thêm yêu quê hương Việt Nam. Trong thâm tâm, tôi luôn mong muốn đóng góp một phần công sức để xây dựng đất nước. Tôi đã đưa rất nhiều người bạn Thái Lan và doanh nghiệp các nước khác về tham khảo thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Như chuyến thăm Cao Bằng vừa rồi, tôi thấy đất ở đó rất phù hợp để trồng xoài và me Thái Lan - loại hoa quả đang được nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Tôi dự định sẽ bàn bạc vấn đề này với một số doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan để có thể đưa những giống cây này sang trồng ở Cao Bằng.

- Không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng vốn tiếng Việt của ông làm rất nhiều người phải bất ngờ. Ông có thể chia sẻ đôi chút về quá trình học tiếng Việt của mình?


- Ngay từ nhỏ, ông bà và bố mẹ tôi đã có một quy định, đi đâu thì đi nhưng cứ bước chân về nhà là phải nói tiếng Việt. Quy định này được giữ trong gia đình tôi đến tận bây giờ. Ngoài ra, tôi cũng đi học thêm viết tiếng Việt ở những lớp học do chính người Việt trong tỉnh tổ chức và nghiên cứu thêm rất nhiều sách viết bằng tiếng Việt từ trong nước gửi sang. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ câu thơ đọc được từ một tập sách của Việt Nam hồi đó: "Đất nước ta một dải, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái". Tôi cũng thường xuyên vào Đại sứ quán xin những tờ báo tiếng Việt để đọc. Nói thật, lúc đó tôi rất mong và hy vọng có ngày được về Việt Nam. Và khi có điều kiện, năm 2000, tôi đã thực hiện ngay mong muốn này. Trong hộ chiếu của tôi, điểm đến đầu tiên chính là Việt Nam. Tôi đã mua rất nhiều sách vở, từ điển, tóm lại là hành lý khi quay lại Thái Lan toàn sách Việt Nam. Tôi nghĩ nhờ vậy mà tôi không gặp khó khăn gì với tiếng mẹ đẻ.

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi