Thêm cạnh tranh, khách hàng hưởng lợi
Xe++ - Ngày đăng : 06:11, 13/05/2013
Như vậy, sau hơn một năm xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, Viettel đã được cấp phép. Được biết, cùng với hồ sơ xin cấp phép, Viettel gửi Bộ TT-TT bản cam kết thực hiện gồm: lộ trình thực hiện và tổng số tiền nộp phạt nếu không triển khai đúng lộ trình đề ra. Cụ thể, tập đoàn này cam kết trong vòng 12 tháng từ khi được cấp phép mà chưa cung cấp dịch vụ, sẽ nộp phạt 30 tỷ đồng; sau thời điểm cung cấp dịch vụ 3 tháng mà chưa cung cấp đầy đủ các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu sẽ nộp phạt 20 tỷ đồng. Viettel cũng nêu rõ, sau 3 năm sẽ cung cấp dịch vụ tới 63 tỉnh, thành phố, nếu không hoàn thành chịu phạt 70 tỷ đồng; nếu không phát triển được 2 triệu thuê bao sau 3 năm chịu phạt 50 tỷ đồng; đồng thời, cam kết chịu phạt tới 80 tỷ đồng nếu không tuân thủ lộ trình số hóa theo quy định. Ngoài ra, Viettel còn cam kết tuân thủ các quy định về cung cấp truyền hình trả tiền, quản lý giá thành, bảo đảm hạch toán độc lập với các dịch vụ viễn thông khác và không bù chéo giá dịch vụ…
Việc Viettel chính thức gia nhập thị trường truyền hình trả tiền hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mới theo hướng có lợi cho người dân. Ảnh: Minh Thành |
Những cam kết mà tập đoàn này gửi Bộ TT-TT cho thấy sự quyết tâm nhập cuộc một cách bài bản. Thực tế với lợi thế về hạ tầng viễn thông mạnh với đường cáp quang kéo đến tận xã, cộng với kinh nghiệm về kinh doanh, về chăm sóc khách hàng của Viettel tại thị trường viễn thông cho thấy, nhà mạng này có lợi thế không nhỏ trong cuộc cạnh tranh thị phần với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hiện nay như VTV Cap (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam), SCTV (liên doanh của VTV với đối tác Saigontourist), HCaTV (Truyền hình Hà Nội)… Đến đây có thể đặt câu hỏi, vậy Viettel sẽ đem lại gì cho khách hàng với tư cách là DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp?
Tại thị trường truyền hình trả tiền trong nước, có hơn 40 DN cung cấp dịch vụ này, nhưng thị phần chủ yếu thuộc về VTV (chiếm hơn 70%) với khoảng 3 triệu thuê bao. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, đây là dịch vụ liên tục tăng giá (từ 44.000 đồng lên 110.000 đồng hiện nay - tăng gần gấp 3 lần) mà chất lượng về dịch vụ cụ thể là chất lượng đường truyền lại ít có sự tiến bộ nhất. Mặt khác, một điểm yếu nữa của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là chủ yếu có mặt ở thành thị, còn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa phủ sóng. Chính VTVCap cũng cho biết vùng phủ sóng của mình mới có mặt ở 43 tỉnh, thành phố và đó cũng là thiệt thòi của người dân nông thôn cũng như những địa phương còn lại khi chưa có điều kiện tiếp cận với các kênh trên hệ thống truyền hình trả tiền. Như vậy, nếu giải quyết được các "lỗ hổng" (chất lượng đường truyền kém, giá cao, vùng phủ hạn chế) mà các nhà đài để lại thì đây chính là cơ hội để Viettel tạo được "cú hích" cho sự cạnh tranh trên lĩnh vực này, tương tự như câu chuyện tập đoàn này gia nhập làng viễn thông cách đây hơn 10 năm. Trong hồ sơ xin cấp phép và trong một số lần trao đổi với báo giới, tuy không tiết lộ giá cước dịch vụ, song đại diện Viettel đều khẳng định mức giá sẽ hợp lý, chắc chắn rẻ hơn giá cước của các nhà đài hiện nay… Đến đây, khách hàng có quyền hy vọng sự xuất hiện của Viettel sẽ thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tăng tính cạnh tranh và đem lại lợi ích cho người xem.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là trong giấy phép, Viettel chỉ được làm hạ tầng, chưa được làm nội dung. Một điểm mấu chốt là gia nhập cuộc cạnh tranh này, rất có thể Viettel sẽ bị đối thủ lớn không cho tiếp sóng các kênh truyền hình trả tiền của mình. Đó sẽ là bất lợi…