Giải pháp tối ưu ở đâu?

Xã hội - Ngày đăng : 05:41, 13/05/2013

1. Tháng tư vừa rồi, có chuyện tranh cãi quanh việc xây dựng cầu vượt Xã Đàn - Hoàng Cầu (Hà Nội) nằm trong tổng thể dự án giao thông đặc biệt quan trọng của Thủ đô. Rất nhiều ý kiến về việc này, ủng hộ và không ủng hộ, mà đằng sau đó không có gì khác là bài toán về sự hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển chung.


Đến đầu tháng 5 lại là một câu chuyện khác liên quan đến bảo tồn di sản: Gần 100 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) ngỏ ý… "trả lại di tích quốc gia". Câu chuyện vừa lạ vừa đáng buồn này được cho là vì điều kiện sinh hoạt của dân không được bảo đảm trong khi di sản không mang lại nguồn lợi trước mắt, có thể thấy được đối với họ. Trường hợp này không khác mấy so với câu chuyện bảo tồn phố cổ Hà Nội, thành Cổ Loa, mà đằng sau đó vẫn là bài toán bảo tồn - phát triển chưa được giải tới nơi tới chốn, do nhiều nguyên nhân.

Xen giữa những câu chuyện nói trên là lá đơn của Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) về tình trạng xuống cấp của chùa, một lá đơn được một số người coi là "tối hậu thư"; đó còn là dư luận về việc "bê tông hóa" bờ suối Khe Thẻ (còn được gọi là suối Mỹ Sơn), gây ảnh hưởng tới khu di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam).

2. Những chuyện trên cho thấy bảo tồn di sản văn hóa trong thời hiện đại không phải chuyện dễ, đặc biệt là khi di sản sống trong lòng dân, có quan hệ trực tiếp đến cuộc sống của họ. Ở đâu, nơi nào giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, di sản nơi đó "khỏe" cũng như sự phát triển ổn định đem đến lợi ích cho dân. Nguyên tắc dễ hiểu là vậy, tưởng đã hai năm rõ mười nhưng không phải nơi nào cũng có thể hóa giải khó khăn.

Đường Lâm là ngôi làng cổ nổi tiếng Bắc bộ và có lẽ là trên bình diện cả nước nữa.

Ở đó, người ta có thể nghe giai thoại về "đất hai vua", những câu chuyện sinh động về dòng họ, sự cố kết cộng đồng làng xã. Ở đó, ngay trong dòng đô thị hóa chẳng chừa nơi nào, người ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan xưa cũ, những ngôi đình, đền, chùa nổi tiếng và ngay chỉ chiếc cổng làng cũng đáng là chủ đề khơi gợi sự khám phá… Đường Lâm được phong di tích quốc gia đã gần chục năm nay, phía trước có thể là cơ hội được UNESCO xem xét trao danh hiệu di sản thế giới - một yếu tố quan trọng, không chỉ giúp Đường Lâm được biết đến nhiều hơn, được đầu tư nhiều hơn, mà còn đem tới cơ hội đổi đời cho người dân đất này, tựa như những gì đã thấy được ở thành phố Hội An… Vậy thì vì sao có nhiều người Đường Lâm muốn chối bỏ cơ hội trong tầm tay? Câu trả lời khá rõ: Những quy định tạm thời về xây dựng đã hạn chế nhu cầu xây dựng nhà cửa của nhiều hộ gia đình và đằng sau đó là bản quy hoạch chung về phát triển Đường Lâm đã bị "treo" quá lâu, ít ra có thể tính từ gần chục năm trước, khi làng cổ được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó xếp hạng di tích quốc gia.

Cây cầu vượt Xã Đàn - Hoàng Cầu đã được phân tích nhiều mà từ đó, người ta có thể khẳng định về tính cấp thiết phải có nó cũng như thừa nhận đó là phương án tối ưu - xét trong bối cảnh các tính toán về mặt khảo cổ học chưa thể định rõ quy mô di sản trong lòng đất cũng như chưa xác định được hướng nghiên cứu tiếp theo một cách cụ thể. Đó là chưa kể sự tranh luận đang hé lộ những điều cần giải thích thêm, đáng kể là ý kiến của một nhà nghiên cứu khảo cổ, được viện dẫn trên phương tiện truyền thông, rằng việc khai quật năm 2006 đã "vồ trượt" đàn Xã Tắc và bởi vậy, di tích ở Xã Đàn "vẫn còn là ẩn số"! Đó có lẽ là một câu hỏi lớn, thậm chí có thể coi là rất lớn, cần thiết phải có câu trả lời thuyết phục trước khi đặt ra câu hỏi tiếp theo là nên xây cầu vượt theo hướng nào.

Việc liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột lại là một câu chuyện khác về bảo tồn, không hẳn là hệ quả từ bài toán bảo tồn và phát triển dù đã có ý kiến bóng gió rằng một trong số nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong việc triển khai dự án tu bổ bắt nguồn từ ý tưởng xây thêm công trình mới trong ngôi chùa này - điều mà có "bên" muốn và có "bên" không, đơn giản là những công trình mới đó có thể khiến cho di tích đặc biệt quan trọng của Hà Nội xấu đi. Dù gì, điểm mấu chốt ở trường hợp chùa Một Cột vẫn là sự chậm trong cách thức triển khai chỉ đạo của thành phố và cơ quan quản lý văn hóa cấp trên. Chậm, ngay cả khi phía chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án viện dẫn lý do chính đáng, rằng quá trình lập dự án phải thận trọng bởi chùa Một Cột nằm trong tổng thể kiến trúc lớn và đặc biệt quan trọng.

3. Trong cả ba trường hợp, liên quan đến chùa Một Cột, đàn Xã Tắc, Làng cổ Đường Lâm, có thể thấy bóng dáng của sự chậm làm quy hoạch tổng thể, dự án tổng thể về xây dựng phát triển cũng như bảo tồn di tích, cũng như sự lúng túng trong việc tìm phương án nhằm bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển nói chung của nhiều phía. Sự chậm không chỉ có trong cách làm quy hoạch, nó còn có trong cách phản biện đối với các phần việc liên quan. Cây cầu vượt theo hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu thực ra là một hạng mục thành phần của dự án cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa nằm trong dự án tổng thể xây dựng tuyến đường Vành đai 1 được khởi động từ nhiều năm nay. Dự án ấy có đã lâu, cầu hay đường gì thì cũng đã "phơi" trên đồ án thiết kế, thậm chí bên thi công đã làm đường trên khu vực được cho là một bộ phận của đàn Xã Tắc, sao đến năm nay, khi việc xây cầu đã là cấp bách, nhiều nhà dân đã được di dời, câu hỏi bảo tồn mới được đặt ra quyết liệt (dù việc khai quật ở Xã Đàn được tiến hành từ năm 2006)?

Chuyện người dân và chính quyền xã Đường Lâm có đơn "trả danh hiệu di tích quốc gia cho Nhà nước" có nguyên nhân khá giống với trường hợp nhiều hộ gia đình sống trong khu vực bảo tồn thành Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) xây nhà không phép, đứng trước nguy cơ phải phá dỡ nếu quy hoạch tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, bao gồm chỉ giới bảo vệ cụ thể đối với các khu vực bảo tồn, được phê duyệt trong tương lai. Bao nhiêu nhà dân Cổ Loa sẽ phải phá đi cơ ngơi mà họ tạo dựng dựa trên nhu cầu chính đáng là cải thiện điều kiện ăn ở và liệu sẽ lại có phản ứng tiêu cực là đòi trả lại danh hiệu như đã xảy ra ở Đường Lâm?

Với chùa Một Cột, một dự án tu bổ, tôn tạo đối với di tích quan trọng nhường ấy liệu có đáng chờ đợi từng ấy năm? Sự chậm có đơn thuần do chưa tìm ra phương án phù hợp cảnh quan kiến trúc tổng thể?

Trong nhiều trường hợp giải pháp tối ưu mà trong đó phải có tầm nhìn xa, đem đến sự hài hòa vẫn lơ lửng đâu đó dù cuộc sống đặt ra câu hỏi rõ ràng và một phần câu hỏi đã có lời giải ở nơi này nơi kia. Trước Đường Lâm đã có bài học phát triển - bảo tồn ở Hội An (Quảng Nam), phần nào đó là ở bản Lác (Hòa Bình). Trước chùa Một Cột là bài học đau xót mang tên chùa Trăm Gian (Hà Nội). Trước cây cầu vượt Xã Đàn - Hoàng Cầu là những năm dài khốn khổ đi lại, đến nỗi mà khi những cây cầu vượt qua Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Kim Liên, Láng Hạ được làm, giao thông đỡ hơn, người ta đã phải đặt câu hỏi vì sao lại xây cầu chậm đến thế… Sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn đâu có gì thần bí, có gì cao siêu, đơn giản chỉ là sự khó trong vận hành mà nguyên nhân chính là thiếu sự đồng thuận, chia sẻ giữa những "cái tôi" quá lớn và ở đâu đó vẫn còn tồn tại sự yếu về năng lực và trách nhiệm, hay cái sự ném gạch đá trong dư luận trong khi xã hội rất cần kết luận đâu ra đấy với hướng mở về phía tương lai trên nguyên tắc "ôn cố tri tân" chứ không phải "ôn cố để phá tân".

Giải pháp tối ưu ở đâu nếu không phải ngay giữa chúng ta, ở ngay trong ý thức về sự phát triển hài hòa; cũng như tư duy nhìn xa!

Lê Huy Anh