Cỏ tế Lưu Thượng “đi Tây”

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 12/05/2013

(HNM) - Hàng chục năm qua, những sản phẩm truyền thống này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở một vùng quê thuần nông.

Nghề đan cỏ tế mang lại thu nhập ổn định cho người dân Lưu Thượng. Ảnh: Đỗ Chí


Chàng thanh niên Trần Văn Rồng dáng nhỏ thó, ăn mặc giản dị, thoáng nhìn không ai nghĩ anh là chủ một cơ sở sản xuất đồ thủ công đan bằng cỏ tế lớn ở thôn Lưu Thượng. Khuôn viên khá chật chội của cơ sở sản xuất mang tên Duy Rồng không còn một chỗ trống, lồng đèn, rổ, rá, cặp, lọ hoa, chậu, giường, tủ, bàn ghế, con giống... chất cao ngất. Anh Rồng cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở xuất khẩu đi các thị trường Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, các nước Trung Đông, Đông Âu... khoảng 2.000 sản phẩm. Giá trị thấp nhất là 5.000 đồng/sản phẩm, cao nhất là 200.000 đồng/sản phẩm. Cơ sở đang có 16 công nhân làm việc trực tiếp, thu nhập bình quân 80.000 - 140.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động vệ tinh trên địa bàn xã với nhiệm vụ gia công sản phẩm. "Từ bé tôi đã theo bố mẹ làm cỏ tế. Năm 2003 tôi quyết định thành lập cơ sở sản xuất để chủ động cho việc xuất khẩu" - anh Rồng cho hay. Gia đình anh làm nghề đan cỏ tế từ đầu những năm 80. Thời gian đầu làm những mặt hàng đơn giản, phục vụ nhu cầu quanh vùng. Trải qua nhiều thăng trầm, đến khi có chính sách mở cửa thị trường, nghề đan cỏ tế bắt đầu có cơ hội "cất cánh", rồi nhanh chóng lan rộng ra cả xã và xuất khẩu ra nước ngoài. Ở thôn Lưu Thượng, ngoài cơ sở Duy Rồng, trong vùng ai cũng biết đến cái tên Nguyễn Văn Mùa. Anh Mùa năm nay 38 tuổi nhưng đã có thâm niên 20 năm đan cỏ tế. Bằng bàn tay tài hoa, tấm lòng yêu nghề, anh Mùa đã tự mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm đan cỏ tế cao cấp, mang tính mỹ thuật, kỹ thuật và giá trị kinh tế cao. Nhìn những sản phẩm con giống, lọ hoa, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm..., ai cũng thầm thán phục bàn tay tài hoa của người nông dân chất phác này, đặc biệt là hình các con vật gần gũi trong cuộc sống, nom rất có hồn, ngộ nghĩnh và bắt mắt. Chính những đặc điểm có một không hai này mà sản phẩm của cơ sở anh Mùa đã được đưa đi triển lãm ở nhiều nơi và vươn xa đến nhiều nước ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.

Cụ từ đình làng Lưu Thượng Trần Văn Nha kể lại: "Nghề đan cỏ tế đã xuất hiện ở Lưu Thượng từ rất sớm. Vào khoảng thế kỷ XVII, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về mảnh đất này. Người dân đã tôn vinh bà là tổ nghề và thờ phụng tại đình làng Lưu Thượng". Trước đây, người làng tuyệt đối giữ bí quyết nghề, nhưng về sau do yêu cầu phát triển, điều này bị xóa bỏ. Riêng chuyện chẻ cây cỏ tế thì chỉ những người có kinh nghiệm ở Lưu Thượng mới có thể chẻ được. Trưởng thôn Lưu Thượng Trần Văn Tẫn cho biết, sản xuất hàng xuất khẩu ở Lưu Thượng được chuyên môn hóa đến từng công đoạn, với việc tổ chức khoa học hợp lý chuyên môn hóa (có bộ phận sản xuất theo hộ, các hộ chỉ chuyên một công đoạn). Ví dụ, làm sản phẩm khay đựng hoa quả, giỏ đi chợ, giỏ đựng sách báo... thì có một số hộ chuyên đan đế, bộ phận khác chuyên đan thân..., sản phẩm khi hoàn thành được thu gom về các cơ sở khác để phơi sấy, hun, phun bóng, gắn nhãn mác, đóng gói bao bì xuất khẩu.... Toàn thôn Lưu Thượng có gần 400 hộ với hơn 1.400 lao động thì hơn 70% số lao động trong làng tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thu nhập bình quân mỗi lao động dao động từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, người dân Lưu Thượng sản xuất ra hàng chục nghìn sản phẩm đủ loại như rương tủ, bàn ghế, lẵng, giỏ, khay, con giống, hàng lưu niệm... Ông Tẫn cho biết, nhằm bảo tồn, phát triển và quảng bá sản phẩm cỏ tế đan đến với công chúng trong và ngoài nước, sắp tới một số nghệ nhân, thợ giỏi trong làng Lưu Thượng sẽ kết hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở lớp dạy cách đan cỏ tế cho các em học sinh ở Hà Nội. "Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng để tiến tới mục tiêu phát triển làng nghề du lịch ở Lưu Thượng" - ông Tẫn nhấn mạnh.

Nam Phong