Ngành phần mềm của Việt Nam có thể vươn lên sánh vai cùng các quốc gia khác

Xã hội - Ngày đăng : 05:36, 12/05/2013

(HNM) - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình, đã chính thức trở thành doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng của Tập đoàn truyền thông Nikkei Inc Nhật Bản trong lĩnh vực Phát triển khu vực (Regional Growth).



Hằng năm, Tập đoàn Nikkei chỉ trao giải thưởng Nikkei Asia cho ba cá nhân - tổ chức tiêu biểu nhất của Châu Á trong ba lĩnh vực: Phát triển khu vực; Khoa học, kỹ thuật và Đổi mới; Văn hóa. Như vậy, việc ông Trương Gia Bình được Nikkei vinh danh rất có ý nghĩa trong việc nâng cao vị thế của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam tại Nhật Bản cũng như ở Châu Á. Nhân sự kiện này Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với ông Trương Gia Bình.

Có thất bại mới gặt hái thành công

- Ông đã sáng lập và xây dựng thành công Tập đoàn CNTT, viễn thông FPT, đồng thời có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của ngành CNTT, viễn thông Việt Nam, trong đó có cả lĩnh vực đào tạo. Với một người đã tạo nên các dấu ấn trong nước và quốc tế, cũng đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá, lần này ông có thấy bất ngờ trước giải thưởng của Nikkei?

- Tôi thực sự bất ngờ khi nhận được giải thưởng trong lĩnh vực Phát triển khu vực của Tập đoàn Nikkei. Đây là vinh dự lớn cho cá nhân tôi và FPT.


- Đối với riêng ông thì đương nhiên là vinh dự, nhưng theo ông, giải thưởng này có đem lại sự khác biệt nào trên “bản đồ” CNTT thế giới mà trong đó hình ảnh Việt Nam đang sáng dần lên?

- Theo tôi được biết, một trong những mục đích chính của Giải thưởng Nikkei Asia là nâng cao sự hiểu biết của Nhật Bản về các quốc gia Châu Á. Bên cạnh đó, Nikkei là tập đoàn truyền thông hàng đầu tại Nhật Bản, các cá nhân nhận giải sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống truyền thông hàng đầu tại Nhật Bản như The Nikkei, The Nikkei Weekly (phiên bản tiếng Anh), website của Nikkei và các kênh truyền thông khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh của FPT nói riêng và ngành CNTT Việt Nam nói chung được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản. FPT chính thức mở văn phòng tại Nhật Bản vào năm 2004, và tôi tin rằng, đồng hành cùng các đối tác Nhật Bản, FPT nói riêng và ngành phần mềm của Việt Nam nói chung có thể vươn lên sánh vai cùng các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc.

- Nói đến FPT, nhiều người thường nói đến sự thành công. Song, hầu như hiếm có cá nhân hay tổ chức nào sinh ra đã thành công. Theo ông, thất bại lớn nhất của ông trong quá trình sáng lập và phát triển FPT là gì?

- Có thể nói phần nhiều những thành công của FPT hiện nay đều có được nhờ rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ. Chẳng hạn như năm 2007, theo xu hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của thế giới cũng như Việt Nam, FPT đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang nhiều ngành có thể nói là “hái ra tiền” lúc bấy giờ với mong muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao và mang lại quyền lợi lớn nhất cho cổ đông. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh tại những lĩnh vực mới đã diễn ra không như mong muốn, một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008. Ngay sau đó, FPT đã xác định lại lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là CNTT và viễn thông, lĩnh vực FPT có thế mạnh, và rút dần tỷ lệ sở hữu tại những công ty không thuộc lĩnh vực cốt lõi để tập đoàn có thể phát triển bền vững.

- Thế còn thành công lớn nhất của FPT - theo cách đánh giá của ông?

- Theo cá nhân tôi, một trong những thành công lớn nhất của FPT là đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Năm 1999, khi mà khái niệm phần mềm còn xa lạ với đại đa số người Việt Nam, FPT đã thành lập Trung tâm xuất khẩu phần mềm (tiền thân của Công ty Phần mềm FPT - FPT Software) và kêu gọi các doanh nghiệp CNTT Việt Nam xem xuất khẩu phần mềm là một hướng đi mới. Nhưng như tôi đã nói ở trên, thành công của FPT có được phần nhiều từ thất bại. Trong giai đoạn đầu chiến lược xuất khẩu phần mềm của FPT vấp phải nhiều thất bại, thậm chí mất hàng triệu USD. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi có thể tự hào, FPT Software đang là công ty xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam với quy mô gần 5.000 người, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 30%/năm và có mặt ở hầu hết các thị trường ủy thác dịch vụ phần mềm lớn như Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Năm 2013, FPT Software đặt mục tiêu doanh thu đạt khoảng 100 triệu USD và dự kiến sẽ tuyển thêm 2.000 - 2.500 nhân viên cho các vị trí kỹ sư phần mềm, quản trị dự án, kỹ sư cầu nối, biên - phiên dịch tiếng Nhật…

- FPT là tập đoàn về CNTT lớn của VN, khẳng định được “danh” ở nhiều nước. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là đã đủ điều kiện để FPT dám cả gan đầu tư sang Mỹ - một trung tâm lớn hàng đầu về CNTT của thế giới, sau đó lại đem quân và tài sản đầu tư vào một số nước khác. Không ít người cho đó là liều lĩnh. Ông có cho ý kiến đó là đúng không? Và hiện nay kết quả đầu tư ra nước ngoài của FPT như thế nào?

- Có thể khẳng định, trên thương trường không liều lĩnh thì khó có thể “sống” được. Chỉ có điều là liều lĩnh phải đi kèm với quyết tâm và rút kinh nghiệm. Câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của FPT được khởi đầu từ năm 1999 với việc thành lập chi nhánh tại Bangalore (Ấn Độ), rồi năm 2000 mở văn phòng tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Tuy nhiên, chỉ sau vài năm hoạt động, FPT đã phải đóng cửa cả hai văn phòng này. Nhưng không vì thế mà chúng tôi từ bỏ định hướng phát triển này của công ty. Những thất bại đầu tiên đã giúp FPT thay đổi tư duy về định hướng phát triển kinh doanh tại nước ngoài. Kết quả hiện nay là, FPT đã có mặt ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2012, doanh thu từ hoạt động kinh doanh ra nước ngoài của FPT đạt con số trên 90 triệu USD, tăng trưởng trên 30% so với năm 2011. Năm 2013, FPT xác định đây là năm đẩy nhanh phát triển ra thị trường nước ngoài ở tất cả các ngành kinh doanh. Dự kiến, doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ và thị trường mới trong 3 năm tới sẽ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của tập đoàn, từ mức 7% hiện nay.

Triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp khác biệt

- Nói đến FPT là nói đến sự khác biệt. Có nhiều cách so sánh để đánh giá về sự khác biệt, nhưng chúng tôi quan tâm trước hết là triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Vậy triết lý kinh doanh FPT và văn hóa FPT là gì, thưa ông?

- Triết lý kinh doanh của FPT là “tư duy chiến lược giao thoa 3 vòng”. Nghĩa là trước khi quyết định làm gì, FPT cần phải tìm ra câu trả lời cho 3 câu hỏi để tìm phần giao của 3 vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất là “Có phù hợp với đam mê FPT theo đuổi không?”, vòng tròn thứ hai là “FPT có thể làm tốt nhất không?” và vòng tròn thứ ba là “Có mang lại lợi nhuận cao không?”. FPT vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những điểm giao thoa tiêu biểu mới theo xu hướng phát triển của ngành công nghệ.

Văn hóa FPT trước hết là văn hóa ứng xử FPT, là tinh thần mà FPT hướng tới: Người FPT “Tôn trọng cá nhân - Đổi mới - Đồng đội”, lãnh đạo FPT cần “Chí công - Gương mẫu - Sáng suốt”. Điểm khác biệt cốt lõi của FPT là chấp nhận mọi người như họ vốn có: Cả mặt mạnh, mặt yếu, cả điểm tốt và không tốt. FPT luôn tôn trọng, lắng nghe và tạo điều kiện để mỗi thành viên được là chính mình. Ở FPT, cấp dưới có thể nói thẳng và trao đổi bình đẳng với cấp trên. Việc lắng nghe những ý kiến khác biệt là cách để lãnh đạo FPT tránh đưa ra những quyết định sai lầm và khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo cho nhân viên.

- Nhưng cũng có lúc dư luận xã hội phản ứng về những sự khác biệt đến mức phản cảm trong các sinh hoạt văn nghệ, giao lưu của FPT. Ông có cho rằng đó là thái độ quá khắt khe?

- FPT luôn tôn trọng cá nhân, tôn trọng sự khác biệt nhưng vẫn trong khuôn khổ giá trị văn hóa, đạo đức của người Việt Nam. Việc một vài cá nhân FPT có lúc thể hiện sự tự do trong các hoạt động một cách thái quá làm cho xã hội có cái nhìn không đúng về văn hóa FPT là việc đáng tiếc, nằm ngoài mong muốn của FPT.

- Người làm việc trong FPT biết đến khái niệm “Gen FPT”. Thông thường người ta chỉ nói đến gen khi có liên quan đến lĩnh vực sinh vật học. Ông có thể giải thích ngắn gọn về khái niệm “Gen FPT”?

- Công nghệ sinh học hiện đại đã chỉ ra công thức của sự sống gồm các tế bào và gen của chúng. FPT muốn trường tồn cũng cần phải có nhân viên và bộ gen riêng (hệ thống quy trình quản trị doanh nghiệp toàn diện). Bộ gen của doanh nghiệp cần thỏa mãn các đặc tính là bản ngã của doanh nghiệp, có tính đồng nhất đối với các thành viên, có tính bảo thủ, bất biến và khả năng “di truyền”.

- Trong thời gian không dài nhưng sự phát triển của FPT gắn liền với sự thu hút và hội tụ nhân lực có tài. Không ít doanh nghiệp đã âm thầm tìm cách học phương thức thu hút nhân tài của FPT. Chúng tôi nghĩ đó không phải là bí mật kinh doanh. Vì vậy ông có thể tiết lộ những nội dung cơ bản của việc thu hút nhân tài ở FPT?

- Bí mật đó chính là văn hóa FPT. Chúng tôi luôn cố gắng để nhân viên cảm thấy vui mỗi khi đi làm và coi FPT như là ngôi nhà thứ hai của mình. Tại ngôi nhà này, họ được tôn trọng, được đưa ra quan điểm của mình, được trao cơ hội để thể hiện bản thân và phát huy tài năng, được tham gia nhiều hoạt động văn hóa - đoàn thể… đi kèm với đó là những chính sách đãi ngộ, thăng tiến thích hợp. Ngoài ra, từ năm 1999, FPT đã thành lập Trung tâm bồi dưỡng tài năng trẻ FPT (FYT) quy tụ nhiều sinh viên giỏi, hầu hết các em đều đoạt những giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, Olympic quốc gia và khu vực. Các em được tham gia các chương trình đào tạo, tham gia nhiều dự án lớn, được sự kèm cặp của lãnh đạo cấp cao của tập đoàn… Nhiều thành viên của trung tâm hiện đã thành đạt và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong FPT.

- Tuy nhiên, gần đây một vài người ở vị trí rất quan trọng và từng được đánh giá rất cao đã rời khỏi FPT với các lý do khác nhau. Với cương vị của mình, ông có nghĩ rằng việc đó là bình thường hay liên quan đến sự lạc hậu (nếu có) của chính sách thu hút nhân tài ở FPT?

- Tôi rất tiếc khi thấy có nhân tài rời khỏi FPT, tuy nhiên đó là câu chuyện có thể gặp phải ở bất kỳ doanh nghiệp nào. Mỗi cá nhân khi quyết định chuyển đổi công việc đều có những lý do riêng và tôi tôn trọng quyết định của họ. Tại FPT, đã có nhiều trường hợp cán bộ rời khỏi tập đoàn để có những trải nghiệm mới nhưng sau một thời gian lại quyết định quay trở về làm việc tại FPT. Chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón họ.

- Gần đây FPT đã bước đầu gây ấn tượng về mô hình đào tạo nhân lực không chỉ lĩnh vực CNTT mà còn đào tạo nhân lực ở các lĩnh vực khác. Ví dụ, Đại học FPT đã đạt chuẩn 3 sao của Q-Star, một trong 3 tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng nhất thế giới. So với tư duy về đào tạo của Việt Nam, đây là mô hình hoàn toàn mới, nó tấn công vào bề dày bảo thủ trong tư duy giáo dục đào tạo. Trong bối cảnh đó, FPT có gặp khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình này không?

- Năm 1999, FPT đã đưa hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech vào Việt Nam và đến năm 2006 là thành lập ra Đại học FPT, trường đại học đầu tiên của doanh nghiệp và là trường đại học hoạt động theo mô hình mới - đại học hướng nghiệp, đại học của kỷ nguyên internet. Vì là trường đại học đầu tiên của doanh nghiệp, ĐH FPT đã phải chịu khá nhiều sức ép hay không muốn nói là bị “phân biệt đối xử” so với những trường trong hệ thống công lập. ĐH FPT đã vượt qua nhiều rào cản và đạt được những kết quả đáng khích lệ như đạt chuẩn 3 sao của Q-Star, một trong 3 tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng nhất thế giới.

- Nhưng dù vậy thì FPT vẫn rất “khôn” khi chờ để “hớt váng mỡ” của nền giáo dục phổ thông mà thôi (tuyển những học sinh đã tốt nghiệp lớp 12). Tại sao FPT không xây dựng mô hình đào tạo 3 cấp phổ thông, thưa ông?

- Ý tưởng đầu tiên khi FPT bước chân vào lĩnh vực giáo dục bắt đầu từ thực tiễn khát nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đáp ứng cho chính tập đoàn nên chúng tôi hướng vào những phân hệ đào tạo gần với nhu cầu tuyển dụng nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận thấy FPT cũng cần phải có những đóng góp hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, góp phần giải quyết được những tồn tại của hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay như các vấn đề về ngoại ngữ, kỹ năng, phương pháp tư duy, sự chủ động đồng thời tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cho Đại học FPT. Đó cũng là lý do FPT quyết định thành lập Trường THPT FPT và chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 6 năm nay.

- Trở lại sự kiện ông được giải thưởng của Tập đoàn truyền thông Nikkei Nhật Bản. Theo ông, ở Việt Nam còn có nhiều người có thể nhận được những giải thưởng tương tự?

- Người Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá là dân tộc thông minh, sáng tạo và đã có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, nhà văn hóa được vinh danh trong khu vực và thế giới bởi những thành tựu họ đạt được. Tính riêng giải thưởng Nikkei cho đến nay đã có 4 người Việt đoạt giải. Tôi tin rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều cá nhân xuất sắc của Việt Nam được vinh danh.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Tuệ