Điểm cộng và điểm trừ
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:31, 12/05/2013
Nói như thế bởi ngoài mặt tích cực, sau 5 năm thực hiện, quy chế cũ cũng bộc lộ không ít "lỗ hổng". Đó là tình trạng báo chí không những không nhận được thông tin chính thống từ người phát ngôn, mà nhiều bộ, ngành, địa phương còn "đẻ ra" những quy chế "con"; tiếng là để thực thi cho tốt quy chế này, nhưng vô hình trung lại cản trở báo chí tác nghiệp nhiều hơn. Đó là khi báo chí đề nghị được cung cấp thông tin thì các đơn vị đều "đá bóng trách nhiệm" và yêu cầu thông qua người phát ngôn. Trong khi đó, phần lớn người phát ngôn đều kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc nên nhiều khi hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao. Không ít trường hợp người phát ngôn khi báo chí hỏi về những vấn đề "nóng" lại không nắm rõ sự việc, đặc biệt là những vụ việc đòi hỏi kỹ năng, chuyên môn sâu. Người trực tiếp nắm việc thì không có thẩm quyền trả lời. Hệ quả là để "an toàn", "không lỡ lời" thì tình trạng "từ chối khéo" báo chí hoặc trả lời vòng vo, không nghe điện thoại, cáo bận... đã trở nên khá phổ biến. Đó là "điểm trừ" đáng tiếc của quy chế cũ khi đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, quy chế mới đã rút ngắn thời gian cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước còn một ngày, thay vì đến hai ngày như quy chế hiện hành. Quy chế mới cũng có thêm quy định làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn. Đó là điểm tích cực dễ nhận thấy, rõ ràng là tiến bộ hơn so với quy chế cũ.
Tuy nhiên, dư luận cũng còn băn khoăn khi quy chế này (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) đã không đưa ra chế tài đối với hành động né tránh phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí (nói vòng vo, không trả lời đúng vấn đề, viện lý do, bất hợp tác, không nghe điện thoại...). Sẽ là thiếu công bằng, thậm chí gây khó cho nhà báo nếu người phát ngôn hoặc người ủy quyền phát ngôn không hợp tác trong khi cơ quan báo chí, nhà báo đăng thông tin, trích dẫn sai sẽ bị xử phạt nghiêm.
Trong thời đại internet ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động báo chí, truyền thông, việc duy trì và thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sẽ tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác, nhất là đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm là rất cần thiết. Với cơ quan nhà nước, đó cũng là phương pháp góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với các lĩnh vực quản lý của ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Có thực tế là địa phương, tổ chức, đơn vị nào càng chủ động, sớm có thông tin chính thống cho báo chí thì công tác tuyên truyền càng có kết quả tốt, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý ngành, lĩnh vực được phân công.