Tuyên truyền vẫn là giải pháp bền vững

Đời sống - Ngày đăng : 08:30, 11/05/2013

(HNM) - Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội), tình hình mại dâm còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; công tác phòng ngừa, đấu tranh chưa triệt để, vẫn còn tình trạng nơi này

Hoạt động gái gọi, gái mại dâm cao cấp, sex tour… có xu hướng tăng là thách thức lớn trong công tác điều tra, phát hiện. Trong điều kiện đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng và gái mại dâm vẫn là giải pháp bền vững nhằm đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn này.

Tác hại từ nhận thức không đầy đủ

Nguyễn Thị Liên (Đống Đa, Hà Nội) là một trong số gần 30 học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội số II có nhiều cố gắng học tập và rèn luyện nên đã được chọn vào lớp học công nghệ thông tin, thiết kế website. Trong 6 tháng, Liên được học văn hóa, học nghề và các kỹ năng sống, ứng xử… để về gia đình có thể sống được bằng nghề. Khi được hỏi về quá khứ, Liên cười buồn: "Từ nhỏ chẳng chịu học hành, lại muốn được nhàn hạ, bằng bạn bè nên em mới ngu dại đâm vào con đường tăm tối ấy. Em đã khiến cha mẹ chẳng bao giờ dám ngẩng mặt nhìn ai. Giờ được giáo dục, hiểu biết rồi, ai lại đâm đầu vào lối cũ nữa?".

Trực tiếp bàn giao gần 200 người bán dâm trở về gia đình sau khi được chữa bệnh, giáo dục ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội số II, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Thủy vẫn chưa yên tâm. Trong số họ, phần lớn mới 18-20 tuổi, nhưng cũng có người đã là bà nội, bà ngoại. Nhìn chung, trình độ văn hóa của gái mại dâm rất thấp, họ thường bỏ học dở dang, thậm chí còn mù chữ. Nhận thức không đúng đắn, thiếu hiểu biết, đặc biệt là thiếu kiến thức về nghề nghiệp, kỹ năng sống đã khiến họ tặc lưỡi, chấp nhận làm thứ nghề không mấy ai tôn trọng. Họ đến với cái nghề lắm nguy hiểm, nhiều tai tiếng một cách rất đơn giản như: Năm em 16 tuổi, mẹ ốm nên em bỏ học đi làm giúp gia đình rồi…; con ốm mà không có tiền nên em…; bố bỏ mẹ lấy vợ hai; bố mẹ ly hôn; anh trai nghiện rồi chết; mẹ luôn đi làm về muộn; em đua đòi nghiện ma túy…

Vốn là đối tượng dễ tổn thương, mặc cảm, trở về cộng đồng trong điều kiện việc làm khó khăn, không bảo đảm cuộc sống, lại bị kỳ thị, người bán dâm rất dễ "xuôi tay", quay lại đường cũ. Việc tái hòa nhập cộng đồng thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của bản thân đối tượng. Giúp họ nhận thức đúng đắn về lỗi lầm của mình, có đủ năng lực sửa chữa, thay đổi để trở về cuộc sống bình thường, được yêu thương, tôn trọng chính là giải pháp hiệu quả nhất để phòng chống tác hại, giảm sự lây nhiễm của HIV, bệnh xã hội, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Phòng chống từ mỗi mái nhà

Để giúp người bán dâm hoàn lương, góp phần ổn định trật tự xã hội, thành phố đã thực hiện dự án trợ giúp cho đối tượng nữ mại dâm tái hòa nhập cộng đồng bằng biện pháp dạy nghề và tạo việc làm tại nơi cư trú (giai đoạn 2012-2015). Đến nay, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã hợp tác cùng các tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế FHI, Plan... hỗ trợ học nghề theo nhu cầu, khám chữa bệnh lưu động tại cộng đồng, giới thiệu khám và điều trị miễn phí các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh lây nhiễm HIV, phát bao cao su... cho hàng nghìn lượt người. Theo bà Lê Thúy Hạnh, điều phối viên dự án hỗ trợ phụ nữ bán dâm của Tổ chức Plan, dù đã nỗ lực tiếp cận, tuyên truyền về chương trình trợ giúp, tạo việc làm bền vững cho phụ nữ bán dâm, đến nay, toàn thành phố mới có 4 người tiếp nhận hỗ trợ học nghề và chỉ có 2 người kiên trì học. Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, phụ nữ muốn hoàn lương còn gặp sự ghẻ lạnh, kỳ thị, thiếu quan tâm của gia đình, làng xóm, khiến họ phải chuyển nơi sinh sống, làm tăng nguy cơ tái phạm. Vì thế, trong giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ tập trung tuyên truyền nhiều hơn tới đối tượng người bán dâm và gia đình, cộng đồng nhằm tạo môi trường thân thiện, không kỳ thị, giúp người bán dâm nâng cao năng lực, kiên trì hòa nhập cộng đồng.

Thực tế trên cho thấy, công tác giáo dục thanh thiếu niên, phát huy truyền thống, củng cố hạnh phúc và mối quan tâm giữa các thành viên trong gia đình mới thực sự là biện pháp hiệu quả phòng chống các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền chống phân biệt kỳ thị, nâng cao công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ tại địa phương nhằm phòng ngừa tệ nạn ngay từ những đối tượng có nguy cơ cao.

Nguyễn Linh