Nội địa hóa công nghiệp cơ khí: Không như kỳ vọng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 11/05/2013
Gia tăng gánh nặng nhập siêu
Việt Nam có thị trường cơ khí khá lớn, tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 16 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng không dưới 20%/năm. Theo Tổng hội Cơ khí Việt Nam, giai đoạn 2011-2030, nhu cầu đầu tư dây chuyền thiết bị trên thị trường nội địa cả nước khoảng 250 tỷ USD song các doanh nghiệp (DN) cơ khí mới đáp ứng khoảng 25%. Thị trường còn bỏ trống lớn nhất hiện nay là các lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị cho ngành y tế, dược, viễn thông và thiết bị gia dụng. Hiện tại, mỗi năm cả nước phải nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD máy móc, thiết bị, góp phần dẫn tới gánh nặng nhập siêu.
Mặc dù có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ trong ngành cơ khí vẫn không đạt được mục tiêu nội địa hóa. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME), các DN Việt Nam chưa thiết kế được thiết bị cho các nhà máy lớn nhưng lại có khả năng thiết kế được các nhà máy thủy điện, cơ khí thủy công, nhiệt điện, máy canh tác nông nghiệp và chế biến nông sản, sản phẩm cơ điện tử như máy phân loại hạt, một số thiết bị y tế… DN trong nước đã thực hiện tư vấn quản lý nhiều dự án nhiệt điện, xi măng, bô xít, giàn khoan, đóng tàu, một số dự án thủy điện... Thực tế này cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận được việc thiết kế, chế tạo, cung cấp sản phẩm cho thị trường với tỷ lệ nội địa hóa đến 50%. Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, hiện nay DN "nội" có thể chế tạo và cung cấp hầu hết các thiết bị thuộc dây chuyền thiết bị đồng bộ như hệ thống vận chuyển than, thiết bị nâng, cầu trục, thiết bị vận chuyển, hệ thống lọc bụi, máy cô đặc, máy biến áp, một số thiết bị cho ngành xây dựng... Một số sản phẩm đã được chế tạo đáp ứng nhu cầu trong nước như biến thế, động cơ, dây cáp điện, tủ bảng điện, động cơ, hộp số... Các DN đã hoàn toàn làm chủ lĩnh vực chế tạo kết cấu thép với năng lực đến 600.000 tấn/năm. Nhiều sản phẩm cơ khí thủy công trước đây phải nhập khẩu với giá 3 USD/kg, nay DN nội địa đã tự chế tạo với giá chỉ bằng 1/2. Những sản phẩm đáng chú ý là hệ thống băng tải bô xít dài 5km, giàn khoan sâu 90m nước, cần cẩu 1.200 tấn của Cơ khí Quang Trung, máy biến áp 500KV của Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh. Với thực lực như trên, tại sao ngành cơ khí vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu?
Có hỗ trợ - không tận dụng
Nguyên nhân dẫn đến ngành cơ khí không đạt các mục tiêu chiến lược theo Quyết định 186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đấu thầu giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, do vậy hầu hết dự án lớn đều rơi vào tay nhà thầu nước ngoài. Tiếp đó, nhiều dự án lớn vay vốn nước ngoài thường có điều kiện phải mua máy móc, thiết bị của nước cho vay vốn. Quan trọng hơn, việc xây dựng chiến lược, quy hoạch công nghiệp cơ khí chưa đồng bộ; chưa đề xuất được giải pháp tổng thể gắn hoạt động đầu tư với việc phát triển ngành, giữa phát triển các ngành công nghiệp với chương trình phát triển ngành. Trong khi đó, các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ ngành chưa được thực hiện nghiêm túc…
Bộ Công thương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành cơ khí thông qua cơ chế tạo đơn hàng, chỉ định thầu hoặc chỉ định đấu thầu trong nước các phần việc trong nước thực hiện được, nhất là đối với các gói thầu EPC (nhà thầu thực hiện cả ba nội dung công việc, bao gồm tư vấn, mua sắm vật tư, thiết bị và thi công) quy mô lớn. Với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước. Nếu DN nước ngoài tham gia thầu, phải liên danh hoặc làm thầu phụ với nhà thầu trong nước (nhà thầu trong nước là đơn vị đứng đầu liên danh). Máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ của dự án cần được phân định rõ ràng. Phần thiết bị chính để bảo đảm chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, phải được đấu thầu quốc tế, có chỉ định xuất xứ hàng hóa và phần thiết bị phụ, kết cấu thép... có khả năng chế tạo thì cần có cơ chế ưu đãi để tạo thuận lợi cho DN trong nước.
Về phần mình, các DN cơ khí cần chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.