Nỗi lo thừa... gạo

Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 11/05/2013

(HNM) - Sắp tới, hơn 3,5 triệu tấn gạo hè thu chuẩn bị thu hoạch nhưng nhu cầu thị trường gần như đóng băng, giá giảm nghiêm trọng.

Thị trường gạo gần như đóng băng, giá giảm nghiêm trọng. Ảnh: Như Ý


Giá thấp chưa từng có

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 2,151 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 942 triệu USD, tăng 23,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết tháng 4-2013, các DN ký hợp đồng xuất khẩu 4,231 triệu tấn gạo, trong đó số hợp đồng còn lại giao từ tháng 5-2013 là 2,08 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu trong tháng 4 tiếp tục giảm 10-15 USD/tấn so với tháng 3 do nhu cầu thấp và áp lực bán ra của DN để quay vòng vốn. Vì vậy, giá xuất khẩu bình quân 4 tháng giảm hơn 28 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Trong nước, ngay sau khi kết thúc đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vào giữa tháng 4 vừa qua, giá lúa cũng giảm 200-300 đồng/kg.

Theo VFA, hợp đồng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2013 phần lớn là hợp đồng thương mại giá thấp, chủ yếu bán cho Trung Quốc, Philippines, các nước Châu Phi... Hợp đồng tập trung chỉ chiếm hơn 10% cho Cuba, Malaysia. Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 4, DN còn tồn kho gần 2 triệu tấn gạo, trong khi giá gạo thế giới giảm mạnh, xuất khẩu chậm, dẫn đến nguy cơ lỗ vốn rất cao. Mặc dù giá gạo Việt Nam đang có khoảng cách khá xa so với giá gạo thế giới (380 USD/tấn loại 5% tấm so với 420-530 USD/tấn của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan), nhưng khách hàng lại ngại mua vì giá không ổn định, sợ rủi ro giảm giá tiếp. Hiện nay, giá lúa gạo Việt Nam đang ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Thời gian qua, việc xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng khó khăn, giá gạo của Việt Nam tiếp tục giảm, thấp hơn của Ấn Độ, Pakistan dù chất lượng cao hơn.

Trong 3 năm qua, giá lúa gạo tiếp tục giảm hơn 1.000 đồng/kg, gây khó khăn cho người nông dân khi đầu tư tái sản xuất. Đời sống của nông dân cũng giảm sút nghiêm trọng. DN xuất khẩu lo ngại về giá gạo liên tiếp giảm sâu như hiện nay. Về nội địa, các DN chủ yếu có quy mô vốn nhỏ, trước sức ép được mùa trong nước và sức ép lớn về vốn nên có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn tới giá đàm phán không được như mong muốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá gạo xuống thấp hơn năm ngoái.

Sức ép về vốn

Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục trì trệ hơn do nhu cầu yếu, nguồn cung thừa, với lượng tồn kho ngày càng tăng. VFA cho biết, Thái Lan đang tồn kho khoảng 17 triệu tấn gạo, con số này sẽ lên đến 20 triệu tấn trước khi vào vụ chính từ tháng 11. Trong khi vụ chính của nước này sẽ cung cấp tiếp 25 triệu tấn lúa (tức khoảng 15 triệu tấn gạo). Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tồn kho khoảng 35,5 triệu tấn gạo.

VFA cũng dự báo, Châu Phi mua gạo chậm hơn dự kiến vì có tâm lý chờ giá rẻ; Philippines tiếp tục thông báo quyết tâm tự túc lương thực và có thể xuất khẩu vào cuối năm 2013, cho dù vừa ký hợp đồng nhập khẩu 187.000 tấn gạo với Việt Nam; Indonesia chưa có dấu hiệu trở lại thị trường, trong khi FAO dự báo sản lượng năm 2013 của nước này đạt mức kỷ lục năm thứ hai liên tiếp, ở mức 72,1 triệu tấn, do đó sẽ giảm nhập khẩu. Riêng Trung Quốc, sau khi đã mua khá nhiều của Việt Nam hồi đầu năm, giờ đang mua chậm lại và trì hoãn nhận hàng vì đã ký hợp đồng nhiều nhưng giá giảm. Từ đầu năm đến nay, VFA thống kê có đến 280.000 tấn gạo bị hủy hợp đồng, gồm có 190.000 tấn ký hợp đồng năm 2012 chuyển sang và 90.000 tấn ký hợp đồng trong năm 2013, chủ yếu là từ Trung Quốc, Châu Phi và Philippines. Với thực trạng như vậy, một số DN do bị áp lực tồn kho và quay vòng vốn nên phải bán thấp để giải quyết đầu ra.

Dự kiến đầu tháng 6, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch 1,6 triệu héc ta lúa hè thu. Sau khi cân đối nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản lượng gạo hàng hóa còn lại khoảng hơn 3,5 triệu tấn. Trong tình thế thị trường hiện nay, việc tiêu thụ hết lượng gạo tồn kho vụ đông xuân còn khó khăn, chưa tính đến hàng triệu tấn gạo hè thu sắp thu hoạch.

Thanh Mai