Vì sao trần lãi suất huy động VND không giảm?

Kinh tế - Ngày đăng : 15:20, 10/05/2013

(HNMO) - Kể từ ngày 13-5, các lãi suất chủ chốt và trần lãi suất cho vay VND với 5 lĩnh vực ưu tiên đồng loạt giảm thêm 1%. Tuy nhiên, trần lãi suất huy động lại giữ nguyên, vì sao?

ày 13-5, các lãi suất chủ chốt và trần lãi suất cho vay VND với 5 lĩnh vực ưu tiên đồng loạt giảm thêm 1%. Tuy nhiên, trần lãi suất huy động lại giữ nguyên, vì sao?


Trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng giữ nguyên mức 7,5%/năm


Theo các quyết định được Ngân hàng Nhà nước đưa ra sáng 10-5, kể từ 13-5, lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng còn 8%/năm thay vì 9%/năm như trước.

Cũng từ ngày trên, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm.

Như vậy, đây là lần thứ 3 kể từ tháng 12-2012 đến nay lãi suất chủ chốt và lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong lần điều chỉnh giảm này là trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng vẫn giữ nguyên. Thông thường, những lần trước, khi trần lãi suất cho vay giảm thì trần lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm. Chẳng hạn, trong 2 lần giảm gần đây nhất, ngày 24-12-2012 trần lãi suất cho vay giảm, trần lãi suất huy động còn 8%/năm thay vì 9%/năm; ngày 25-3 vừa qua, trần lãi suất huy động được công bố giảm xuống 7,5% cùng thời điểm trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên hạ xuống 11%/năm.

Trước thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ-Ngân hàng Nhà nước cho biết, không giảm trần huy động VND tiền gửi ngắn hạn đợt này là bởi theo diễn biến lạm phát giảm, kỳ vọng chung lạm phát 2013 trong khoảng 6,5-7%/năm. Với diễn biến trên, trần lãi suất huy động mức 7,5% phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Mức này đã trở về mốc ở giai đoạn 2004-2006. Đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, bản thân các tổ chức tín dụng tùy theo khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp. Diễn biến cho thấy, đã có một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động xuống 7%/năm. Bà Hồng cho rằng, việc điều hành lần này cũng là động lực để các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực điều hành và uy tín của mình trên thị trường tiền tệ.

Người đứng đầu Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết, theo dõi thị trường thời gian qua cho thấy, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng có cải thiện, thậm chí dư thừa. Một số ngân hàng tự điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần. Tuy nhiên, trên thị trường cũng có những tổ chức tín dụng thanh khoản chưa tốt, nếu bỏ trần lúc này thì các tổ chức đó khi gặp khó khăn sẽ tăng lãi suất huy động lên, kéo theo lãi suất cho vay tăng thì chủ trương giảm lãi suất sẽ không thực hiện được. “Thị trường đã được ổn định nên nếu bỏ trần thì có thể gây xáo trộn, có thể làm chậm lại quá trình thực hiện các giải pháp kinh doanh của Chính phủ.”-Bà Hồng nói.

Mặc dù là 1 trong 4 ngân hàng lớn vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND nhưng Tổng Giám đốc BIDV, ông Phan Đức Tú cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động ngắn hạn là cần thiết với những hoạt động của các ngân hàng thương mại nhỏ nhưng không tác động nhiều lắm tới việc huy động vốn trên toàn thị trường. “Đường cong lãi suất bắt đầu xuất hiện, các ngân hàng thương mại có lượng vốn ổn định đã đưa lãi suất tiết kiệm xuống từ 6% đến dưới 7%/năm. Đây là chủ trương phù hợp.”-Ông Tú nói.

Thanh Hương