Nỗ lực hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 10/05/2013

(HNM) - Cùng với một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, năng lượng và trao đổi văn hóa… được ký kết, làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình hòa bình Trung Đông là nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mahmoud Abbas (trái) đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.


Là nhà lãnh đạo Trung Đông đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức tháng 3 vừa qua, sự hiện diện của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh cho thấy sự đánh giá cao của Palestine đối với Trung Quốc, một quốc gia đang nỗ lực tham gia vào các vấn đề toàn cầu. Dù không có cuộc gặp cấp cao ba bên hay song phương giữa Israel và Palestine tại Bắc Kinh khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đang thực hiện chuyến thăm Trung Quốc, nhưng sự có mặt gần như đồng thời của hai nhà lãnh đạo Trung Đông tại nước này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Với hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel, chuyến công du không chỉ dừng lại ở thắt chặt quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, mà thông điệp quan trọng hơn là kiếm tìm sự ủng hộ cũng như vai trò cầu nối của Trung Quốc với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Khẳng định quyền chính đáng của người dân Palestine trong việc được sống trong hòa bình thực sự và có một quốc gia của riêng mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Palestine là vấn đề cốt lõi trong việc ổn định khu vực Trung Đông. Với quan điểm cần giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất 4 điểm với Tổng thống Mahmoud Abbas. Đó là cần kiên trì phương hướng đúng đắn xây dựng một nhà nước Palestine độc lập cùng chung sống hòa bình với Israel; cần coi đàm phán là con đường duy nhất hiện thực hóa hòa bình Palestine-Israel; cần kiên trì nguyên tắc "đổi đất lấy hòa bình"; cộng đồng quốc tế cần đưa ra sự bảo đảm quan trọng cho việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Qua đây, Trung Quốc tiếp tục tái khẳng định lập trường ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.

Với hành trình gian nan tìm kiếm độc lập suốt hơn 6 thập kỷ qua, chuyến đi của ông Abbas chắc chắn chưa thể tạo nên đột phá cho tiến trình hòa bình đang bế tắc. Thế nhưng, với việc là điểm đến cùng lúc của cả hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel, Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng hơn vai trò can dự vào các vấn đề quốc tế, đặc biệt tại Trung Đông. Với việc nắm giữ một "chiếc ghế quyền lực" trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc đã phản đối kịch liệt sự can thiệp vũ trang bên ngoài vào Syria. Vì thế, trên lập trường của mối quan hệ tốt đẹp với cả Palestine và Israel, có cơ sở để tin rằng Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình vốn đang bị đóng băng.

Chính quyền của Tổng thống Palesine Abbas cũng đặt nhiều tin tưởng vào triển vọng này. Dù các bên liên quan chưa vạch ra được một kế hoạch cụ thể cho việc nối lại hòa đàm, nhưng những diễn biến gần đây tại khu vực cũng như những động thái liên quan đến vấn đề vị thế của Palestine khiến dư luận hy vọng nhiều hơn vào những bước tiến mới. Sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận quy chế nhà nước quan sát viên tại LHQ vào ngày 29-11 năm ngoái, Tổng thống Abbas đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên Chính quyền Palestine thành "Nhà nước Palestine" kể từ ngày 6-1 năm nay. Thể hiện sự ủng hộ với Palestine, hàng loạt quốc gia Châu Âu như Thụy Điển, Bulgaria, Séc, Hungary, Malta, Ba Lan, Romania, Slovakia và Cộng hòa Síp đã nâng cấp quy chế văn phòng đại diện của Palestine tại những nước này lên cấp đại sứ quán. Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Đan Mạch và Phần Lan cũng có kế hoạch nâng cấp quy chế văn phòng đại diện của Palestine tại Copenhagen và Helsinki lên cấp đại sứ quán trong năm 2013.

Do đó, chuyến công du của ông Abbas diễn ra khi vị thế của Palestine đang được cải thiện nhanh chóng trên trường quốc tế. Sau chuyến thăm Nga cách đây không lâu, sự hiện diện tại đất nước của Vạn lý trường thành một lần nữa cho thấy những nỗ lực của Palestine trong việc củng cố quan hệ với các quốc gia trên thế giới cũng như tìm kiếm nền hòa bình lâu dài chính đáng cho dân tộc này.

Đình Hiệp