Một tâm hồn và một nhân cách lớn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 10/05/2013
Có thể rất nhiều bạn đọc trẻ chưa biết rõ về ông. Vì vậy, ngắn gọn nhất, có thể nói thế này: Nguyễn Duy Trinh, người Nghệ An, sinh năm 1910, là một nhà ngoại giao tài năng mà tên tuổi đã gắn liền với những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao nói riêng và trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước nói chung.
Cuốn sách này có thể góp phần giúp bạn đọc làm sáng tỏ nhận định trên nhưng là với những câu chuyện sinh động, tin cậy của các đồng chí từng công tác gần gũi với ông qua các thời kỳ, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng. Tác phẩm cũng được chia làm hai phần theo tinh thần ấy, phần một gồm hai tập hồi ký của Nguyễn Duy Trinh và phần hai các bài viết của bạn bè, đồng chí về sự nghiệp ngoại giao của ông.
Cuốn sách với những góc nhìn phong phú cùng khắc họa những điểm lớn chung: Nguyễn Duy Trinh đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao trong giai đoạn cuộc chiến đấu chống Mỹ trên cả hai miền Nam - Bắc đang trải qua những thử thách khốc liệt nhất. Và ông chính là người đại diện nói lên tiếng nói quyết tâm đanh thép “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Phía đối phương và giới bình luận quốc tế luôn theo dõi sát từng câu từng chữ phát biểu của ông để tìm ra “điều mới mẻ trong những tuyên bố mạnh mẽ”.
Cũng qua cuốn sách này, ta hiểu thêm: Sau chiến thắng tháng 4-1975, đất nước còn khó khăn, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã kiến tạo được nhiều mối quan hệ với các nước trong khu vực, đặt những “viên gạch” đầu tiên để Việt Nam trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng ASEAN sau này. Sách còn chia sẻ những thông tin quý giá về việc Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã góp phần đào tạo, rèn luyện nhiều cán bộ ngoại giao giỏi cho đất nước như thế nào. Bằng tất cả kinh nghiệm của mình, ông thường nhấn mạnh với cán bộ trẻ: Không phải liệt kê, thống kê những con số mà (từ đó) phải nhận ra âm mưu của đối phương và dự kiến được những xu thế phát triển của tình hình giữa các mối tương quan…
Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh là mẫu mực của một nhà ngoại giao “cỡ lớn” thời hiện đại với tư duy sắc sảo và phong cách chuẩn mực. Cán bộ cấp dưới không thấy Bộ trưởng của mình cáu giận quát mắng bao giờ, cũng chẳng thấy ông cười to. Nếu có khuyết điểm, thiếu sót chỉ thường nghe ông nhắc: “đừng nói như vậy”, “không nên làm như vậy”. Với những lỗi nặng, ông chỉ thị: “Dặn anh em nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh luôn đi cùng với đức tính khiêm tốn và tình thương yêu đồng chí chân thành.
Đặc biệt, ông có một trí nhớ tuyệt vời. Trong thời gian ở tù tại Buôn Ma Thuột, ông và đồng chí Hồ Tùng Mậu có sáng kiến làm “tiểu thuyết miệng” để kể cho anh em như một món ăn tinh thần. Trong tù không có giấy và bút để ghi, “tiểu thuyết” Giọt máu hồng được ông “in” trong trí nhớ của mình và “đọc” lại bất cứ đoạn nào mà anh em bạn tù muốn nghe. Trong cuộc sống thường ngày, hình ảnh của ông thế này: Nếu thấy một cọng rác ông cũng cúi xuống tự tay nhặt bỏ vào thùng. Một cuốn sách đặt sai vị trí ông cũng tự tay xếp lại…
Vậy nên, đọc cuốn sách trên về ông, không phải đọc những dòng sử liệu khô khan mà là đọc, khám phá, học tập một tâm hồn và một nhân cách lớn. Ông mất ngày 20-4-1985, nhưng mọi người vẫn luôn nhớ về Nguyễn Duy Trinh - một nhà ngoại giao lớn của cách mạng Việt Nam ở cả tài năng và đức độ.