Cần tháo gỡ nút thắt về vốn

Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 10/05/2013

(HNM) - Đến nay, toàn thành phố đã huy động được gần 10.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Tuy nhiên, nguồn vốn trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều dự án đang thiếu vốn, ảnh hưởng đến tiến độ chương trình đề ra...

Theo báo cáo của Thường trực BCĐ Chương trình 02 của thành phố về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân", đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình đã đạt 9.965 tỷ đồng (riêng kinh phí đầu tư cho 19 xã điểm là 2.119 tỷ đồng). Đến nay 8/19 xã làm điểm, đã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, 4 xã khác không phải là xã điểm cũng đã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 12 xã. Cùng với các xã làm điểm, 19/19 huyện đã phê duyệt đề án cấp huyện, 100% số xã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM; 236/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 91 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 133 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí...

Hiện nay, nhiều dự án xây dựng nông thôn mới đang bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vốn. Ảnh: Thái Hiền


Qua số liệu tổng hợp của ngành chức năng, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2012 đạt khoảng 21,36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội (tiêu chí đặt ra là dưới 20% lao động xã hội); lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42,1% (mục tiêu phấn đấu là 55%). Toàn thành phố đã tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được 25.000 người, giúp 135.800 người có việc làm. Từ năm 2011 đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ các hộ gia đình chính sách xây dựng, sửa chữa 3.828 nhà hư hỏng. Nhiều huyện, thị xã đã chủ động triển khai chương trình xây dựng NTM, xác định được nội dung trọng tâm như Đan Phượng, Hoài Đức chọn xây dựng giao thông thôn xóm, thủy lợi nội đồng là đòn bẩy phát triển kinh tế và chỉnh trang nông thôn; các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh tập trung dồn điền đổi thửa để quy hoạch, tổ chức lại sản xuất... Vì thế, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã phát huy tác dụng, từ đó nâng cao giá trị canh tác và mức sống cho nhân dân.

Tại cuộc giám sát về việc thực hiện chương trình xây dựng NTM của HĐND TP tại Sở NN&PTNT mới đây, nhiều ý kiến đã bày tỏ khó khăn về vốn trong xây dựng NTM. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt thẳng thắn cho biết: "Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM, quan trọng nhất vẫn là tiêu chí về xây dựng hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, không có tiền thì không thể làm. Đơn cử như việc xây dựng giao thông xóm ngõ và hệ thống cống rãnh, chỉ khi có Quyết định 16 của UBND TP hỗ trợ kinh phí, nhiều thôn xóm trên địa bàn huyện mới làm được". Đại biểu HĐND TP Nguyễn Doãn Hoàn lại dẫn chứng: Tại huyện Chương Mỹ, sau dồn điền đổi thửa, địa phương đã quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, tuy nhiên, kinh phí thành phố hỗ trợ theo quy định chỉ là 70 tỷ đồng, số tiền còn lại đang phải nợ doanh nghiệp (?). Đây chỉ là ví dụ rất nhỏ trong số hàng trăm dự án huyện phải triển khai để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Điều này cho thấy vốn đang là một trong những bài toán nan giải đối với nhiều địa phương, nếu không có đủ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Đồng tình với các ý kiến trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thiếu vốn, các địa phương cần tập trung vào hoàn thành các tiêu chí không đòi hỏi nhiều kinh phí như môi trường, xây dựng làng văn hóa… Hiện nay, do thiếu vốn nên tiến độ triển khai nhiều chương trình đang rất chậm khiến mục tiêu hoàn thành nhiều tiêu chí còn khá xa. Ví dụ như chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đang được triển khai một cách nhỏ giọt mặc dù thực trạng nước sạch ở khu vực nông thôn hiện rất bức xúc. Theo thống kê, tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đang là 86%; trong đó, tỷ lệ được dùng nước sạch chỉ có 33% (kế hoạch là 55%). Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân theo tiêu chí NTM, Sở NN&PTNT đã triển khai đầu tư 6 công trình cấp nước liên xã tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Phú Xuyên, đồng thời hỗ trợ 40.000 thiết bị xử lý nước nhỏ lẻ cho các hộ chưa có công trình cấp nước tập trung... Tuy nhiên, do chưa có vốn nên năm 2012 chỉ làm được 5.000 bể, năm 2013 sẽ tiếp tục làm 5.000 bể còn 30.000 bể phải chờ…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết, theo Nghị quyết HĐND TP, kinh phí xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030 là 32.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 80 tỷ đồng/xã). Tuy nhiên đến nay giá cả có nhiều biến động tăng lên, mặt khác, việc khảo sát xây dựng NTM làm trong thời gian ngắn nên chưa tính toán đầy đủ các chi phí. Vì vậy để đáp ứng yêu cầu vốn cho xây dựng NTM, Sở NN&PTNT đang đề nghị thành phố điều chỉnh vốn lên 120.000 tỷ đồng.

Nguyễn Mai