Quá thiếu vắng sách Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 10:00, 30/05/2004
Tràn lan sách bạo lực
Chị Nguyễn Thanh Hằng ở Trung Tự (Đống Đa) đưa hai cậu con trai 13 và 7 tuổi đi mua sách trên phố Tràng Tiền. Gặp chúng tôi, chị than thở: "Có quá nhiều sách, truyện nước ngoài ở đây. Tôi muốn mua những quyển sách của Việt Nam, với những câu chuyện mang tính nhân văn để răn dạy lũ trẻ mà khó quá". Quả thật, ở phố sách này chúng tôi tìm mỏi mắt cũng chỉ được vài quyển truyện mỏng tang của Việt Nam. Đặc biệt, những quyển sách, truyện nói về các anh hùng trong lịch sử thì rất hiếm, hầu như không thấy. Thay vào đó là các loại sách bạo lực, đấm đá, với những rôbốt đủ hình dạng mà trong nháy mắt đã có thể xoá sổ một thành phố, những quái nhân râu dài quá ngực phải sống bằng máu tươi, những kẻ cuồng sát vai u thịt bắp, giết người không gớm tay, những "dũng sĩ" chuyên nghề giết chóc, những pha giao đấu khiến trời long đất lở, những trận loạn ẩu... Các nhân vật giỏi võ, đánh nhau trăm trận trăm thắng thì được tôn làm "người hùng".
Tham khảo thị trường sách, truyện dành cho thiếu nhi thì có đến trên 70% là các đầu sách nước ngoài từ các cuốn sách, truyện được coi là bổ ích như "Truyện cổ Grim", "100 truyện cổ tích hay của nước ngoài"... cho đến những truyện bạo lực như "Thiên thần và ác quỷ", "Rồng Ma Trận"... với những hình minh hoạ cực kỳ bạo lực. Một chủ hiệu bán sách trên đường Giảng Võ cho biết: "Bọn trẻ vốn hiếu động nên rất thích những câu chuyện "đánh đấm". Có lẽ nhiều nhà xuất bản chạy theo thị hiếu này của trẻ nên xuất bản toàn truyện bạo lực như vậy. Không phải tôi muốn bán những thể loại truyện này nhưng quả thật không còn sự lựa chọn nào khác".
Đội ngũ hoạ sĩ và viết kịch bản rất thiếu
Trên thực tế, loại sách tranh truyện dân gian và truyện tranh lịch sử Việt Nam vẫn có một lượng công chúng rất lớn. Theo thống kê của NXB Kim Đồng, thì truyện tranh dân gian và lịch sử Việt Nam như "Năm hũ vàng", "Ai mua hành tôi", "Cây khế", "Từ Thức gặp Tiên", "Bánh chưng bánh dày", "Truyền thuyết Thánh Gióng", "Sơn Tinh Thủy Tinh", "Đinh Bộ Lĩnh", Lý Thường Kiệt", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Hai Bà Trưng"... luôn thuộc hàng "top" trong các đầu sách bán chạy của NXB. Loại sách này, mỗi năm, NXB Kim Đồng xuất bản khoảng 10.000 bản/tên sách...
Tuy nhiên, con số trên 50 đầu sách truyện dân gian và 10 đầu sách truyện lịch sử mà NXB Kim Đồng xuất bản mỗi năm là quá ít. Năm 2003, trong tổng số hơn 1.000 đầu sách xuất bản thì loại sách tranh màu dân gian, lịch sử chỉ chiếm hơn 50 đầu. Là "chỗ dựa" của các bậc phụ huynh, NXB Kim Đồng rất chú ý và luôn tìm cách phát triển loại sách truyện Việt Nam. Chào mừng 47 năm ngày thành lập, NXB này đã liên tục ấn hành những tủ sách mới, như "Tủ sách Búp bê", "Tủ sách Chuyện kể cho bé"... Mặc dù vậy, so với lượng truyện tranh mà các NXB, nhà sách khác phát hành thì con số này còn rất nhỏ. Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Thị Hà - Trưởng ban Biên tập sách, tranh truyện NXB Kim Đồng - cho biết: "Chúng tôi đã kết hợp với Tổ chức ACCU của Nhật mở nhiều lớp tập huấn hoạ sĩ vẽ tranh Kamishibai (một loại tranh rời có nội dung kể chuyện cho mẫu giáo), kết hợp với Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp tập huấn hoạ sĩ làm tranh liên hoàn cho trẻ em. Ngoài ra, trong 4 cuộc vận động sáng tác gần đây, chúng tôi đều đưa nội dung sáng tác tranh truyện lên hàng đầu. Lãnh đạo NXB luôn trăn trở, tạo mọi điều kiện để có được sách chất lượng tốt phục vụ các cháu...". Tuy nhiên, số lượng tranh truyện có được trong các cuộc vận động sáng tác chưa nhiều. Sau 4 cuộc vận động sáng tác, NXB chỉ nhận được một số ít những tác phẩm tranh truyện. Giải thích điều này, bà Hà cho biết: "Vẽ tranh truyện mất rất nhiều thời gian, công sức. Đề tài thì có nhiều nhưng đội ngũ tác giả thì chưa nhiều. Việt Nam chưa có một đội ngũ hoạ sĩ chuyên sáng tác tranh truyện thiếu nhi. Ngoài một số hoạ sĩ thuộc biên chế của NXB, còn lại phần lớn các hoạ sĩ tham gia sáng tác tranh truyện thiếu nhi đều chỉ là nghề "tay trái". Tác giả kịch bản cũng là một vấn đề nan giải. Ngoài ra, chúng tôi phải cân nhắc giữa chất lượng sách và giá thành bán ra. Làm sao để các em có được những cuốn sách vừa rẻ vừa đẹp. Điều này khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra thị trường những cuốn truyện tranh như mong muốn
T.H(LĐ)