“Ghế nóng” chủ tịch VFF: Tâm, tầm và trách nhiệm

Thể thao - Ngày đăng : 07:16, 09/05/2013

(HNM) - Mấy ngày qua, trên nhiều trang báo về thể thao, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất chính là vị trí chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) ở nhiệm kỳ VII.

Ông Lê Hùng Dũng (áo trắng) Ảnh: VSI.



Ông Nguyễn Hồng Thanh, Ủy viên BCH VFF khóa VI, TGĐ Công ty CP Thể thao SLNA và Chủ tịch CLB QNK Quảng Nam - Lê Nguyên Hồng đều nhận định đây đang là giai đoạn khó khăn nên dù là ai, doanh nhân hay chính khách cũng sẽ phải đối mặt với những thử thách cực kỳ khắc nghiệt. Vì thế, cả ông Thanh và ông Hồng đều cho rằng, điều cần nhất bây giờ là tìm một vị chủ tịch VFF có tâm, có tầm, có hiểu biết về bóng đá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu khi búa rìu dư luận chỉ trích và dám "hy sinh" cho bóng đá.

Ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, nếu chủ tịch VFF là doanh nhân thì người đó nhất định phải được Nhà nước công nhận là doanh nhân thành đạt. Bởi, nếu một doanh nhân chưa có nền tảng vững chắc mà làm chủ tịch VFF, chẳng may doanh nghiệp của doanh nhân hoặc bản thân doanh nhân gặp rắc rối gì thì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của VFF, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Còn, nếu chính khách làm chủ tịch VFF thì người đó phải có sự tự nguyện, yêu và hiểu bóng đá, chứ không nên nhận làm chủ tịch VFF chỉ vì bị cơ quan chủ quản ép buộc.

Bên cạnh những ý kiến trung dung, có những ý kiến đứng hẳn về một phía. Phía thích chủ tịch VFF là doanh nhân cho rằng, sau 6 nhiệm kỳ với 8 đời chủ tịch VFF đều là quan chức nhà nước trong và ngoài ngành thể thao, vẫn chưa thấy có sự đột phá cần thiết để phát triển bóng đá Việt Nam. Bây giờ là lúc cần phải đổi mới, chọn ứng cử viên là doanh nhân, người vừa có tài, có tiền, lại dám nghĩ, dám làm. Phía ủng hộ quan điểm chính khách làm chủ tịch VFF, như "bầu" Đệ của Thanh Hóa cho rằng, áp vào bối cảnh Việt Nam hiện nay thì chọn quan chức làm chủ tịch VFF là điều cần thiết, để VFF hoạt động đúng định hướng. "Bầu" Đệ nhận định: Nếu chủ tịch VFF là chính khách thì bằng uy tín và vị thế chính trị, họ sẽ thu phục được nhân tài ở nhiều lĩnh vực, tập trung đầu tư cho bóng đá tốt hơn. Còn nếu chủ tịch VFF là doanh nhân, không loại trừ khả năng các CLB sẽ không phục, vì như thế khó tránh khỏi nghi kỵ về lợi ích nhóm hoặc tư tưởng cục bộ địa phương. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang lao đao vì nợ nần, các doanh nhân lo cho bản thân còn chẳng xong, nói gì đến chuyện lo cho bóng đá.

Thực ra, tất cả các ý kiến, dù mâu thuẫn, trái chiều nhưng đều có chung một mong muốn là tìm ra được một vị chủ tịch VFF có tâm và có tầm, nhằm giải quyết rốt ráo các vấn đề hiện nay của bóng đá Việt Nam. Ví như chuyện một phần Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ đang được sử dụng làm trụ sở của VFF ở Mỹ Đình trong khi trụ sở chính thức, được FIFA giúp sức xây dựng, lại được sử dụng cho mục đích khác hẳn. Hay như chuyện các CLB quá phụ thuộc vào các ông bầu, chưa thể tự sống được, nên khi các ông bầu buông tay là bao cầu thủ phải "ra đường" vì thất nghiệp. Chưa kể, ở các hoạt động bóng đá phong trào, bóng đá trẻ, đội tuyển quốc gia nam đều còn tồn tại nhiều bất cập…

Rõ ràng, đây sẽ là những bài toán khó tìm lời giải, là thách thức mà ai cũng sẽ phải trải qua khi làm chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII. Nhưng, chỉ cần bám lấy tiêu chí "tâm, tầm, trách nhiệm" thì hẳn mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Huy Hoàng