“Nhà văn” - nghe thấy ngài ngại…
Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 09/05/2013
Tuy nhiên, điều đáng nói về tác giả này không phải là chuyện giải thưởng, mà là quá trình của một người cầm bút không chuyên - một công nhân thực thụ trở thành cây bút được vinh danh tại một báo văn hàng đầu cả nước.
Chùm 3 tác phẩm mang lại ít nhiều "tên tuổi" cho anh "công nhân - nhà văn" Lê Thanh Kỳ là "Mồng chín tháng tám", "Sợi dây", "Bạn khách". Sở dĩ nói như vậy là bởi anh luôn khẳng định danh xưng "công nhân gò hàn" của mình vì nó gần gũi, "nhà văn thì vinh dự đấy, nhưng lại quá mới mẻ".
Tác giả Lê Thanh Kỳ (phải) nhận giải thưởng do nhà thơ Hữu Thỉnh trao tặng. |
Phải nói, trong chùm truyện ngắn mà Lê Thanh Kỳ gửi dự thi, gồm cả tác phẩm đoạt giải và không đoạt giải, nét đậm đà nhất vẫn là những vấn đề của công nhân, nông dân, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Khó mà bảo rằng đây chỉ là sự đón trúng chủ đề thời cuộc hay sự may mắn trong cách tiếp cận đề tài. Bởi lẽ, nhìn vào cuộc đời cây bút này, mảng đề tài trên gần gũi với sự trải nghiệm và những điều day dứt của anh. Lê Thanh Kỳ luôn tự hào mình là một công nhân (hiện là chủ hộ gia đình kinh doanh gò hàn ở Hà Nam). Từ năm 1993, anh đã đi tới nhiều vùng công nghiệp trong cả nước để kiếm sống như Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Đi nhiều, chứng kiến nhiều nhưng không hề có ý định gom góp lại để viết văn, cho dù anh tự thấy mình là người mê văn chương.
Lê Thanh Kỳ bắt đầu "tập" viết văn từ quãng năm 2006, bắt đầu từ những trải nghiệm trên và từ những nỗi băn khoăn khác về đời sống người nông dân, vấn đề nông nghiệp, nông thôn ngay trên quê hương Hà Nam của anh. Nhưng viết văn không dễ, cũng có lúc nản, đóng bút để đấy. Thế nào rồi vài năm sau lại phải lôi ra, lại viết, nhưng cũng "không biết đó có phải là văn chương không?". Anh đem truyện lên Báo Văn nghệ nhờ xem hộ, với quan điểm "nếu không phải là văn chương thì tôi vứt đi luôn, không bao giờ cầm bút nữa". Cái truyện ấy sau được đăng ở một tạp chí. Có khí thế hơn, anh viết và cho ra tiểu thuyết "Bão đất" (NXB Hội Nhà văn - 2008). Nhưng cái đáng quý là anh không ảo tưởng mà thừa nhận nó mới là tác phẩm nói hộ mình những bức xúc, băn khoăn, chưa đủ độ sâu văn chương. Sau này, sẽ phải viết lại…
Chuyện viết văn của anh công nhân Lê Thanh Kỳ sẽ không có nhiều điều đáng nói nếu chỉ dừng ở đấy. Anh bảo, viết văn rồi mới bắt đầu thấy văn chương là nghề khó quá. Lúc ấy, mới tìm đọc các sách lý luận văn học của trường ĐH Sư phạm. "Toàn là sách cũ nhưng với tôi thì nó đều mới tinh!". Rồi tháng nào anh cũng lên Hà Nội mua sách đoạt giải của các nhà văn; tìm đọc bài của các cây viết phê bình văn học, thậm chí là cả văn bản pháp luật mới liên quan đến những vấn đề mình quan tâm…
Năm 2009, anh công nhân - nhà văn Lê Thanh Kỳ được đặc cách vào Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam bởi anh không đủ số tác phẩm hay có giải thưởng theo quy định.
Đến nay, có thể coi với giải nhất này, ít nhiều anh đã có chút ít vốn liếng văn chương. Nhưng nói đến hai từ "nhà văn", anh bỗng chốc trở lại tâm thế thận trọng: "Văn chương nói riêng hay rộng ra, sâu hơn là văn hóa, phải là công việc được chuẩn bị kỹ lưỡng!".
Cũng chưa biết sau giải thưởng, mối duyên của anh với văn chương còn mặn nồng đến đâu, nhưng câu chuyện của anh công nhân - nhà văn Lê Thanh Kỳ chẳng phải đã khẳng định thêm một lần nữa những vấn đề lâu nay ta vẫn nói, là vốn sống làm nên nhà văn và nghề viết không phải cứ ảo tưởng mà thành…