Cần làm rõ thẩm quyền của Quốc hội về chính sách tài chính, ngân sách
Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 09/05/2013
Tuy nhiên, tài chính quốc gia và tiền tệ quốc gia giữ vai trò hết sức quan trọng, là công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế; do vậy, các chế định này cần tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hơn.
Tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các vấn đề về ngân sách nhà nước có nhiều điểm mới đáng lưu ý. Theo đó, Quốc hội (QH) chỉ quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách TƯ mà không quyết định, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước như trước. QH cũng chỉ quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách TƯ và địa phương. Điều này làm cho quy trình ngân sách nhà nước giảm được tính trùng lắp và minh bạch hơn. Nổi bật là trong Dự thảo đưa ra quy định, QH quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ - điều mà Hiến pháp hiện hành chưa đề cập và lần đầu tiên quy định về mặt nguyên tắc vị trí, chức năng của Kiểm toán Nhà nước.
PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH nhận định, quyết định chính sách tài chính quốc gia và chính sách tiền tệ quốc gia (quy định tại Điều 75) là hoàn toàn phù hợp và thuộc thẩm quyền của QH. Để bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý tài chính và ngân sách nhà nước, Hiến pháp cần chế định việc phân bổ ngân sách TƯ thuộc thẩm quyền của QH, việc phân bổ ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND các cấp. HĐND các cấp có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách địa phương trong tổng thể ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND phê chuẩn là căn cứ để QH xem xét và phê chuẩn ngân sách. Để chế định đầy đủ và đúng thẩm quyền của QH, PGS-TS Đặng Văn Thanh đề nghị, Khoản 4 của Điều 75 cần được tách ra làm 2 khoản riêng. Cụ thể, quy định Khoản 4a: QH quyết định chính sách tài chính quốc gia, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ quốc gia, quyết định mức nợ quốc gia, nợ chính phủ, quyết định công trình, dự án quan trọng quốc gia đầu tư từ ngân quỹ nhà nước. Khoản 4b: QH quyết định tài chính nhà nước, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, tỷ lệ phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách TƯ, ngân sách địa phương; quyết định phân bổ ngân sách TƯ; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Cùng quan tâm tới Điều 75 của Dự thảo, theo TS Nguyễn Thị Lan (Học viện Tài chính), chính sách tài chính, ngân sách có nội hàm rất rộng, trong đó bao gồm nhiều chính sách cụ thể. Do vậy, việc quy định thẩm quyền của QH và Chính phủ đối với chính sách tài chính và tiền tệ như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là thiếu thực tiễn và khó thực hiện. Chẳng hạn, Khoản 4 Điều 75 quy định, QH "quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia" là quyết định những nội dung nào. Đây là vấn đề cần xem lại và làm rõ. Mặt khác, Hiến pháp chỉ nên quy định nguyên tắc đối với nội dung chủ yếu nhất của chính sách tài chính. Theo đó, ngoài quy định như đã có "QH quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế" và các quy định về ngân sách nhà nước như trên thì chỉ cần có quy định để bảo đảm tất cả các khoản chi từ ngân sách chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan đại diện cho quyền lực nhân dân (QH, HĐND) quyết định.
Để thực hiện được mô hình các cấp ngân sách không lồng ghép, GS-TS Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính đề xuất phải sửa đổi Điều 75 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo hướng QH chỉ quyết định dự toán, phân bổ, phê chuẩn quyết toán đối với ngân sách TƯ. Cụ thể, "QH quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán chi ngân sách TƯ, phân bổ ngân sách TƯ, phê chuẩn quyết toán chi ngân sách TƯ; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế". Đối với công tác phân bổ ngân sách, để thực hiện đầy đủ thẩm quyền của QH trong việc quyết định phân bổ ngân sách TƯ, đại diện Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định thẩm quyền của QH trong việc xác định các mục tiêu ưu tiên trong phân bổ dự toán chi ngân sách trong từng thời kỳ cho phù hợp…
Ngoài những đề xuất nêu trên, nhiều ý kiến đề xuất, mục tiêu của chi ngân sách nhà nước là chi đúng, chi đủ, chi có hiệu quả, tuyệt đối không được chi vượt, chi sai mục đích. Vì vậy, mọi khoản thu, chi của ngân sách nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải được giải trình đầy đủ, công khai và cần có chế định tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử, báo chí, công luận và kiểm toán nhà nước trong quản lý tài sản, ngân quỹ quốc gia.