Buông lỏng quản lý đất rừng tại Sóc Sơn: Cái sảy nảy cái ung

Đời sống - Ngày đăng : 05:47, 09/05/2013

(HNM) - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao xung quanh những sai phạm trong quản lý đất rừng Sóc Sơn như: Giao đất trái thẩm quyền, chuyển nhượng đất không đúng quy định, xây dựng nhà không phép…

Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh những sai phạm này kể từ khi mới manh nha cho đến lúc có kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ năm 2006. Nhưng đến nay, trong khi một số công trình vi phạm cũ còn tồn tại chưa được xử lý triệt để thì những vi phạm mới lại tiếp tục "mọc" lên.

Công trình xây dựng Bách Khang Niên đang bị đình chỉ thi công “chờ” hoàn thiện thủ tục cấp phép.


Sai phạm là có thật

Nhận nhiệm vụ quản lý và sử dụng 2.095ha rừng, trong đó có 1.821ha đất rừng thuộc địa bàn 7 xã của huyện Sóc Sơn, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn (Lâm trường Sóc Sơn cũ) đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân địa phương, gây khiếu kiện kéo dài. Để tìm hiểu vụ việc, chiều ngày 8-5-2013, chúng tôi đã tìm đến cánh rừng trên địa bàn xã Minh Phú do lâm trường này quản lý.

Sau rất nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi mới được một công nhân lâm trường (xin giấu tên) dẫn đến khu vực ao Treo, vườn nho thuộc địa phận quản lý của lâm trường. Ông này cho biết, ao Treo có chức năng điều tiết nguồn nước tự nhiên trong khu vực, diện tích khoảng 3.000m2. Ao có vị trí quan trọng trong công tác phòng, chống cháy rừng, vì thế lâm trường đã đầu tư nhiều công sức, tiền của cải tạo. Thế nhưng cuối năm 2011, hàng trăm xe tải chở đất đá từ nơi khác ùn ùn kéo về đã biến ao thành đất nền trồng cây lâu năm. Một số công nhân cho biết, diện tích đất này đã được lâm trường chuyển nhượng trái phép cho một công ty xây dựng dự án nhà nghỉ dưỡng.

Văn bản số 57/KLTT-STNMT ngày 15-1-2013 của Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) đã nêu rõ, tại xã Minh Phú nhiều trường hợp mới nhận giao đất đã tự ý chuyển nhượng trái phép. Điển hình là trường hợp ông Ngô Văn Cam, năm 1990 được giao khoán tới 126ha rừng, sau được xã giao thêm 15ha đất trống và 18ha trước đây là trận địa pháo quân đội. Trên diện tích đất này, ông Cam đã xây dựng khoảng 1.200m2 gồm nhà nghỉ 4 tầng, nhà hàng… Hộ bà Ngô Thị Loan được giao 3.856m2 đất rừng nhưng năm 2002 đã chuyển nhượng cho bốn hộ khác và nay đã xây dựng nhà ở, nhà sàn… Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngoài những vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006, chúng tôi nhận thấy có nhiều công trình vi phạm hoàn toàn mới. Thế nhưng khi mang băn khoăn này trao đổi với chính quyền xã Minh Phú, ông Bùi Anh Đức - Thanh tra xây dựng xã khẳng định từ năm 2008 đến tháng 4-2011, xã chỉ có 20 công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), trong đó 14 công trình chủ đầu tư đã tự khắc phục, 4 công trình bị cưỡng chế và chỉ có 3 công trình tồn đọng do xây dựng trên đất giãn dân. Từ tháng 4-2011 đến nay, có 7 công trình vi phạm thì có đến 5 công trình đã tự khắc phục, hai công trình bị cưỡng chế và không có vụ việc tồn đọng nào. Khi phóng viên hỏi về dự án khu nhà dưỡng lão Bách Khang Niên đang xây dựng dở dang ngay cạnh các công trình vi phạm của gia đình ông Cam, sau một hồi lúng túng, ông Đức ấp úng: Dự án này xây dựng không phép nên đã bị đình chỉ từ năm 2011, đến nay vẫn trong giai đoạn chờ chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục xin phép!? Điều khó hiểu là không biết vì sao dự án này không nằm trong báo cáo thống kê vi phạm TTXD của xã Minh Phú?

"Quýt làm, cam chịu" hay sự bất cập của cơ chế!?

Cuối giờ chiều qua (8-5-2013), làm việc với lãnh đạo huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Nguyệt - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Vừa qua, báo chí liên tục đưa tin về những vi phạm của Lâm trường Sóc Sơn cũ theo Kết luận số 57 ngày 15-1-2013 của Thanh tra Sở TN&MT. Trước hết, cần khẳng định diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ không thuộc quyền quản lý của UBND huyện mà của Lâm trường Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng… Quá trình Thanh tra Sở TN&MT về điều tra, xác minh vụ việc không có sự phối hợp với UBND huyện. Trên thực tế, những vụ việc vi phạm đất rừng phòng hộ và đặc dụng mà báo chí đề cập thời gian qua đều là những vi phạm cũ, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND huyện Sóc Sơn đã siết chặt công tác quản lý TTXD trên địa bàn. Đa số vụ vi phạm TTXD xảy ra trên đất nông nghiệp, số vụ vi phạm trên đất trồng rừng là không đáng kể. Đến nay, trong tổng số 123 "sổ đỏ" được cấp sai hạn mức giai đoạn 1990-2005, có 73 trường hợp đã được hiệu chỉnh, 10 trường hợp bị thu hồi, số còn lại bị hủy theo quy định của pháp luật. Việc nhiều hộ dân xây dựng nhà trên diện tích 400m2, nay hiệu chỉnh thành 600m2 được thực hiện theo đúng trình tự, quy định của thành phố, hoàn toàn không trái luật. Về những vi phạm của hộ ông Cam, gia đình ca sĩ Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương… mà báo chí đề cập thời gian qua, khi thay đổi công tác cán bộ, chúng tôi không hề nhận được bất cứ hồ sơ bàn giao nào từ lãnh đạo nhiệm kỳ trước. Để trả lời chính xác việc các hộ dân có xây dựng nhà, công trình… trên đất trồng rừng hay không, thời gian tới cần phải tiến hành cắm mốc trồng rừng, có như vậy mới chia tách hơn 1.000 hộ dân ra khỏi diện tích rừng bị chồng lấn hiện nay. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng trên, không chỉ công tác quản lý TTXD trên địa bàn gặp khó khăn mà diện tích rừng tại Sóc Sơn cũng đứng trước nhiều nguy cơ bị thu hẹp. Điều này lý giải vì sao, dù có tới 6-7 cơ quan quản lý nhưng chỉ trong thời gian ngắn, số diện tích rừng bị cháy tại Sóc Sơn đã lên tới 65%... ".

Khi được hỏi về tình trạng xây dựng không phép của dự án Bách Khang Niên đã bị UBND xã Minh Phú đình chỉ, theo lý giải của ông Nguyệt: "Đây là công trình của một cán bộ thuộc Bộ Y tế, đã có quyết định giao đất nhưng chưa được cấp phép xây dựng. Sau khi phát hiện công trình xây dựng chưa có giấy phép, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã tiến hành đình chỉ thi công, chờ chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục cấp phép…".

Quá trình tìm hiểu vụ việc tại Sóc Sơn, chúng tôi nhận thấy, sở dĩ để xảy ra những vi phạm trong lĩnh vực TTXD trong khu vực rừng phòng hộ và đặc dụng, trước hết bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Mặt khác, bên cạnh những vi phạm rõ ràng trong công tác quản lý của Lâm trường Sóc Sơn, không thể không nói đến trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn trong việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực TTXD.

Nhóm PV PSĐT