Người đi truyền lửa “giấc mơ Việt”
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 18:20, 08/05/2013
Tìm gặp anh bên lề buổi học của chương trình Mini MBA do Viện Quản trị Kinh doanh FSB đào tạo, tôi không thể chen chân được bởi học viên luôn vây kín anh. Phải đợi cho đến khi thành phố lên đèn, tôi mới được ngồi riêng với anh, để nghe anh chia sẻ về giấc mơ chất lượng Việt Nam của một Việt Kiều Canada sau hơn 20 năm ở nước ngoài và quá trình trở vể để thực hiện giấc mơ đó.
Giấc mơ từ một… đôi giầy
Thời gian sống ở Pháp, anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc văn phòng Quốc tế Vụ tại Tập đoàn Schneider Electric, có tham gia vào một đội bóng địa phương. Một lần vào siêu thị tại Lyon để tìm mua một đôi giầy đá bóng, anh đã vô cùng sửng sốt. “Đôi giầy thứ nhất “made in China” có giá 30Eu; đôi thứ 2 do Châu Âu sản xuất, giá 60-80Eu; đôi giầy thứ ba để ở ngăn trên, trong một cái hộp sang trọng, có giá 190Eu. Tôi cầm xuống xem, thấy nó rất đẹp, đường may tỉ mỉ, khiến tôi rất thích. Nhìn kỹ hơn, tôi giật mình sửng sốt. Đó là đôi giầy “made in VietNam”. Một đôi giày đến từ Việt Nam, được bày ở vị trí trang trọng nhất với giá bán cao nhất tại một siêu thị ở Pháp. Cảm giác tự hào là người Việt Nam trong tôi trào dâng!”.
Và giấc mơ chất lượng Việt Nam của chàng trai Việt Kiều Canada bắt đầu ra đời từ đó. Là người đã từng phụ trách việc hoạch định phương thức sản xuất và vận hành hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001 của Tập đoàn công nghiệp điện Schneider Electric tại Việt Nam, anh đã nghiên cứu rất nhiều về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Anh khắng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm chất lượng tốt phù hợp với tố chất của người Việt Nam, nhưng vấn đề là lòng tin. Sự ngạc nhiên của tôi chính là vấn đề của chúng ta, chúng ta chưa tin vào mình. Hãy nhìn vào sự thật, đôi giầy là một minh chứng rằng chúng ta có thể làm được”. Với niềm tin đó, anh ôm một hoài bão lớn, là làm thế nào để thương hiệu Việt đạt chất lượng cao trong mắt bạn bè quốc tế.
Truyền lửa “giấc mơ Việt”
Không để “giấc mơ chỉ là giấc mơ” , anh Nguyễn Hữu Thái Hòa đã tìm mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Bắt đầu từ năm 2008, anh liên tục từ Hongkong về Việt Nam để để thực hiện chương trình quản lý chất lượng Vươn tới đỉnh cao (Best in Class - BiC) của Bộ Khoa học Công nghệ với tư cách là cố vấn chuyên môn.… Theo anh, thành công lớn nhất của dự án là thay đổi tư duy chiến lược. Bộ Khoa học Công nghệ đã chấp nhận dùng doanh nghiệp làm chủ thể của dự án chứ không phải là khoa học lý thuyết hay bằng cấp học hàm, học vị.
Để có thể toàn tâm với “giấc mơ Việt”, anh quyết định bỏ lại sau lưng chức Giám đốc Chất lượng của tập đoàn Pháp Schneider Electric để đáp chuyến bay trở về Hà Nội vào một chiều mùa đông năm 2010 trước ánh mắt sửng sốt và lo ngại của nhiều người. Anh nhận lời làm Giám đốc Chiến lược cho FPT. Anh muốn thực hiện hòa bão mà mình tâm huyết, đó là góp phần đưa một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam vươn tầm ra thế giới. Anh cho rằng, việc trở về quê hương khi tuổi nghề đã chín và tuổi đời còn sung sức là một quyết định hợp lý để đưa những kinh nghiệm mình học hỏi về xây dựng quê nhà.
Không thể đơn lẻ để thực hiện giấc mơ, vì thế, dù rất bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để tụ họp với những nhà tri thức lớn của Việt Nam. Anh cũng hướng đến việc truyền lửa cho giới trẻ, mang đến cho họ những đam mê và lòng tự hào dân tộc thông qua việc giảng dạy tại Viện quản trị Kinh doanh FSB- Đại học FPT. Anh là giảng viên được yêu thích của chương trình Mini MBA với những bài giảng về Xây dựng chiến lược, Marketing hiện đại, Quản trị doanh nghiệp thời khủng hoảng…. Anh là thành viên chủ chốt trong dự án đào tạo “10 ngàn nhà quản trị đắng cấp” của Viện quản trị kinh doanh FSB. Chương trình không chỉ đơn giản là đào tạo nhà quản trị mà còn đồng hành với doanh nghiệp trong suốt 3 năm nhằm hỗ trợ, tư vấn những khi cần thiết như là một món “Của để dành” mà mỗi thành viên có thể mang về. Tham gia giảng dạy tại Viện quản trị Kinh doanh FSB là cơ hội để chia sẻ giấc mơ của mình đến thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam.
“Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ, có người cha nào muốn con mình sống thiếu niềm tin vào tương lai không? Muốn truyền niềm tin cho con, trước hết người cha cần có lòng tin. Chọn việc giảng dạy tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB, tôi muốn giấc mơ Việt Nam của mình lan tỏa đến tất cả các bạn trẻ, truyền cho họ lòng đam mê và khát vọng vươn lên. Nếu giới trẻ Việt Nam luôn tin vào khả năng của mình, chắc chắn, cả dân tộc sẽ thay đổi”. Nheo mắt, mỉm cười, anh nhẹ nhàng ngân nga “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng…” như một lời nhắn nhủ: Hãy tin vào tương lai của Việt Nam, tin vào chính mình!
Dự án đào tạo “10.000 nhà quản trị đẳng cấp” do các doanh nhân, trí thức Viện Quản trị Kinh doanh FSB sáng lập và triển khai thực hiện. Dự án sẽ đồng hành với người học và doanh nghiệp trong vòng ba năm (2013 – 2015) với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 300 tỷ đồng. |