Lương tối thiểu phải phản ánh được tình hình DN và cả nền KT

Đời sống - Ngày đăng : 14:58, 08/05/2013

(HNMO) - Thảo luận về lộ trình tăng lương tối thiểu sẽ đạt 100% “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động” vào năm 2015, cần xem xét cả hai khía cạnh quan trọng của chính sách này.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.


Khía cạnh đầu tiên liên quan đến tổng thể các chính sách về thu nhập và phúc lợi của người dân, bao gồm các chính sách và chương trình phát triển và xã hội để giảm nghèo. Khía cạnh thứ hai của lộ trình này gắn với tiền lương, được lấy từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và sức lao động của người lao động.

Tiền lương tối thiểu ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, mang tính cưỡng chế thực hiện, là một công cụ chính sách quan trọng của chính phủ để xác định sàn tiền lương trên thị trường lao động để đảm bảo rằng người lao động sẽ nhận được mức lương bằng hoặc cao hơn mức tiền lương tối thiểu. Do đó, tiền lương tối thiểu có thể là một công cụ quan trọng hỗ trợ đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, phát triển, xã hội và thu nhập. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu cũng phải phản ánh được tình hình của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Khi xem xét những nỗ lực khác nhau của Chính phủ khi thực hiện lộ trình này, chúng ta cần phải xem xét cách thức vận hành của những nội dung chính này nhằm đưa ra những quyết định chính sách cụ thể khi quyết định tiền lương tối thiểu.

Nội dung quan trọng thứ nhất đó là khái niệm và mức độ “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”. Điều này liên quan đến hình thái tiêu dùng (các mặt hàng lương thực và phi lương thực thực phẩm) của một hộ gia đình có ít nhất một người lao động làm công ăn lương. Xác định hình thái tiêu dùng của một hộ gia đình như vậy là một công việc quan trọng và khó khăn, thường được các “nhà khoa học” tiến hành dựa trên số liệu thống kê và được các bên liên quan “thống nhất”. Ở nhiều nước, “nhu cầu sống tối thiểu” được rà soát định kỳ không chỉ bởi các nhà khoa học mà còn bởi đại diện của các bên liên quan.

Trước đây, ở Hàn Quốc, các bên liên quan khi xem xét “chi phí sống tối thiểu” đã tranh luận rất nhiều về việc liệu có nên bao gồm chi phí internet và điện thoại di động khi tính toán “nhu cầu sống tối thiểu” hay không. Hiện nay, internet và điện thoại di động đã trở thành một phần thiết yếu trong công việc và cuộc sống cá nhân của người dân, vì vậy nó đã được đưa vào danh mục các mặt hàng phi lương thực thực phẩm khi xác định “nhu cầu sống tối thiểu”. Tại Việt Nam, khối lượng thịt (và gạo) mỗi người dân tiêu thụ nên là bao nhiêu là vấn đề tương tự. Khi xã hội phát triển, người dân có xu hướng ăn nhiều thịt hơn và ăn ít cơm cơn; nhu cầu này sẽ có sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. Trong bối cảnh đó, “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động” không phải là một mức cố định và có thể là nội dung để tranh luận.

Ngoài “nhu cầu sống tối thiểu”, chúng ta còn cần phải so sánh tiền lương tối thiểu với xu hướng tiền lương trên thị trường lao động. Theo báo cáo điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) năm ngoái, tiền lương tối thiểu áp dụng năm 2013 gần bằng 45% tiền lương bình quân năm 2012. Theo cơ sở dữ liệu của ILO, ở các quốc gia áp dụng tiền lương tối thiểu, tiền lương tối thiểu bằng khoảng 40 đến 60% tiền lương bình quân.

Một nội dung khác cần phải quan tâm xem xét có liên quan đến tiền lương tối thiểu đó là tại Việt Nam tiền lương tối thiểu thường được xem là cơ chế chính để điều chỉnh tiền lương thực nhận. Nhưng trên thực tế, đây không còn là một biện pháp hiệu quả. Phần lớn người lao động, đặc biệt của các công ty lớn, đã nhận mức lương cao hơn nhiều so với mức tiền lương tối thiểu. Vì mức lương thấp nhất tại các công ty lớn đã cao hơn mức tiền lương tối thiểu, “tỷ lệ” tăng – chứ không phải con số tăng tiền lương tối thiểu – làm ảnh hưởng đến mức tiền lương tại những doanh nghiệp này. Nếu tiền lương tối thiểu tăng lên khoảng 10%, người lao động (và cả người sử dụng lao động) ở các doanh nghiệp có thể nghĩ rằng nên tăng lương theo tỷ lệ đó. Nhưng, mối liên hệ như vậy không phải là cơ chế hiệu quả để tăng tiền lương tại các doanh nghiệp lớn. Thứ nhất, mối liên hệ này không phản ánh được tăng năng suất, mức lợi nhuận và khả năng chi trả tại các doanh nghiệp khi xác định mức lương. Điều này có thể dẫn đến việc tăng lương quá thấp hoặc quá cao, vì việc tăng lương tối thiểu không chỉ được quyết định đơn thuần dựa trên điều kiện của doanh nghiệp mà còn dựa trên “cân nhắc về mặt chính sách” về mức thu nhập mong muốn – như phản ánh thông qua lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng nhu nhầu sống tối thiểu.

Mặt khác, những vấn đề khác sẽ phát sinh tùy thuộc vào việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào làm cơ sở tham chiếu để tăng lương tối thiểu. Nếu mức lương tối thiểu tăng dựa vào tình hình của các doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ tăng sẽ không phù hợp với các doanh nghiệp lớn vì tăng lương như vậy không phản ánh được việc cải thiện năng suất. Nếu điều kiện và năng lực của các doanh nghiệp lớn được sử dụng làm tiêu chí, tỷ lệ tăng lương sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến các doanh nghiệp nhỏ.

Điểm đột phá cần có đó là người lao động trong các doanh nghiệp lớn nên sử dụng thương lượng tập thể thay vì tiền lương tối thiểu là cơ chế hiệu quả để điều chỉnh tiền lương. Sự phát triển chậm của thương lượng tập thể với vai trò là cơ chế chính để xác định tiền lương tại các doanh nghiệp gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng bao gồm cả việc tạo sức ép không mong đợi lên hệ thống tiền lương tối thiểu. Người lao động của các doanh nghiệp lớn hoặc các công đoàn có đặc quyền sẽ có thể tác động đến quyết định điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo hướng gây ra những kết quả tiêu cực. Điều quan trọng là hệ thống tiền lương tối thiểu cần tập trung vào nhóm những người lao động nhận mức lương thấp nhất trên thị trường lao động.

Mặt khác, không nên sử dụng tiền lương tối thiểu để duy trì các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả vốn phải dựa vào tiền lương tối thiểu để tồn tại. Tăng tiền lương tối thiểu có tính toán kỹ lưỡng có thể giúp phân phối hiệu quả nguồn vốn, tăng cường các doanh nghiệp năng xuất và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tăng cường năng suất. Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp các chính sách và chương trình tăng cường năng suất bao gồm phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc vào hệ thống tiền lương tối thiểu (làm giảm sự phát triển của thương lượng tập thể như là cơ chế xác định tiền lương) để giữ tiền lương ở mức thấp nhằm hấp dẫn đầu tư nước ngoài – một mô hình có thể thấy tại nhiều nước đang phát triển – có thể có tác động tiêu cực tạo ra động lực sai lầm cho cả người lao động và doanh nghiệp ở khía cạnh tăng cường năng suất, điều then chốt của phát triển kinh tế dài hạn.

H.H