Xài thẻ tín dụng: Sướng vì... nợ

Xã hội - Ngày đăng : 10:31, 08/05/2013

Đa phần khách hàng biết rõ bản chất của tiêu dùng tín dụng nhưng không phải ai cũng kiểm soát được rủi ro hay tận dụng hết các tiện ích, vì thế rất dễ rơi vào “bẫy” nợ tiêu dùng.

Coi chừng ngập với phí

Thẻ tín dụng tiện lợi với người có thu nhập cao và chi tiêu thường xuyên, biết quay tiền cho các nhu cầu cá nhân một cách chuyên nghiệp. Nhưng không phải người nào cũng biết cách chi tiêu thông minh, nhất là người mở thẻ lần đầu. Các khoản chi tiêu luôn đi liền với phí và phí phạt luỹ tiến theo thời hạn chậm trả nợ, như một cái bẫy tiêu dùng êm ái. Có thể phải trả những khoản phí “vô duyên” vì thiếu hiểu biết.

Trước tiên là rút tiền mặt, mỗi chủ thẻ có hạn mức nhưng đây là loại hình không khuyến khích rút tiền mặt vì thế khách hàng có thể bị ngập trong các loại phí. Chẳng hạn một số ngân hàng quy định khi rút tiền mặt sẽ chịu phí 4% trên tổng số tiền rút nhưng tối thiểu 60.000 đồng và lãi suất là 2,65%/tháng; 28%/năm (tuỳ ngân hàng)... Khi rút tiền ở nước ngoài còn trả thêm khoảng 3,5% phí chuyển đổi ngoại tệ, chưa kể nếu rút từ máy ATM ngoài hệ thống có thể trả phí phụ thu của ngân hàng khác.

Phí thường niên cho thẻ chuẩn khoảng 300.000 đồng, nhưng chỉ cần nộp trễ phí này có nơi phạt tối thiểu đến 200.000 đồng. Việc chi tiêu không phải trả lãi suất trong 45 ngày, nhưng nếu không kiểm soát để rơi vào nợ thì người dùng không chỉ phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với mức thị trường, mà sẽ chịu nhiều loại phí phạt: phạt tài chính trên mỗi giao dịch; phí giao dịch vượt hạn mức; riêng phí chậm thanh toán lên đến 3 – 5% số nợ hoặc lãi suất thường trên 2%/tháng và bị áp mức trả tối thiểu.


Lãi phạt chi tiêu vượt hạn mức luỹ tiến theo thời hạn, ví dụ 1 – 5 ngày, 6 – 15 ngày, trên 15 hay trên 30 ngày. Rồi còn nhiều loại phí khác tính theo giao dịch như phí tăng hạn mức tín dụng tạm thời, phí tra soát giao dịch, phí cấp lại thẻ hay pin, phí thông báo mất thẻ, phí chênh lệch tỷ giá… Chưa kể, chủ thẻ quên gia hạn thẻ hay khi cần thanh lý hợp đồng cũng sẽ chịu phí hoặc qua các thủ tục phức tạp.

Xài nợ phải... nghệ thuật

Chị Trang làm cho một công ty nước ngoài cho biết, nhiều lần đi nước ngoài chị thanh toán hộ bạn bè đến vài trăm triệu đồng. Việc hoàn trả đúng hạn không mất lãi suất mà còn có được lịch sử chi tiêu uy tín, điểm tích luỹ càng cao càng được hưởng nhiều ưu đãi. “Bản chất của tín dụng là tiêu tiền nợ, vì thế mình rất dễ quá đà hoặc thiếu kiểm soát”, chị Trang cho biết.

Khi mở thẻ cần chú trọng vào mạng lưới và tiện ích ngân hàng cung cấp. Tại các đô thị lớn, các ngân hàng chú trọng kết nối đến hầu hết các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, đại lý vé, dịch vụ sức khoẻ… khá tiện lợi để khách hàng móc “hầu bao”. Người có nhu cầu ra nước ngoài cần chú trọng mở thẻ tại các ngân hàng có hệ thống ATM và mạng lưới điểm giao dịch chấp nhận thẻ phổ biến ở nhiều quốc gia.

Để khuyến khích chi tiêu, ngân hàng thường kết hợp với nhà bán lẻ khuyến mãi, giảm giá hoặc tích luỹ điểm thưởng cho người chi trả bằng thẻ… Tuy nhiên khách hàng phải cẩn thận vì tại nhiều điểm sẽ phải mất phí giao dịch qua thẻ, thường là 1 – 2%, có nơi “chặt” đến 4%.

Người dùng được khuyến cáo mua sắm qua thẻ phải cẩn trọng như sử dụng tiền mặt. Theo đó ngân hàng cung cấp các dịch vụ trực tuyến, qua tổng đài hoặc tin nhắn giúp người dùng kiểm tra số dư tài khoản, thông tin giao dịch. Người dùng cũng phải biết cách đối phó với nạn lừa đảo, email giả mạo tài khoản hoặc lợi dụng danh tính ngân hàng để lấy cắp thông tin, cung cấp sản phẩm và dịch vụ không tồn tại…

Theo SGTT