Nguyên tắc cần áp dụng với trẻ béo

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:10, 08/05/2013

Béo phì đang ngày càng gia tăng ở trẻ, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh cao huyết áp, tim mạch, xương khớp... Béo phì còn ảnh hưởng khả năng phát triển tâm sinh lý, ngoại hình, trí tuệ của trẻ.

Bác sĩ Hoàng Thanh Thủy, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, nguyên nhân của tình trạng trẻ béo phì có thể là do di truyền, do cân nặng lúc sinh của trẻ quá lớn, do trẻ háu ăn, thường xuyên ăn các thức ăn giàu năng lượng, ít hoạt động thể lực...

Theo bác sĩ Thủy, trẻ nhỏ béo phì sẽ dẫn đến nguy cơ béo phì khi lớn lên, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong, là nguyên nhân gây các bệnh khó thở, cao huyết áp, đột quỵ, khó thở, bệnh tim, bệnh xương khớp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Béo phì cũng góp phần kìm hãm tăng trưởng ở tuổi dậy thì, tổn thương về tâm lý.

Trẻ cần được theo dõi cân nặng thường xuyên. Ảnh: inhabitots.


Trẻ béo phì cần được điều trị kịp thời, nhiều trường hợp cần có sự theo dõi của chuyên gia dinh dưỡng. Mục tiêu nhằm giảm tốc độ tăng tăng cân hoặc tránh tăng cân thêm, đảm bảo tăng trưởng chiều cao.

Bác sĩ Thủy đưa ra một số nguyên tắc điều trị béo phì

- Xác định cân nặng cần có, thường xuyên theo dõi cân nặng

- Áp dụng các nguyên tắc ăn uống hợp lý. Trong chế độ ăn uống, trẻ nên ăn thịt nạc, cá, hải sản, đậu hũ, uống sữa không béo, không đường. Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau củ, trái cây ít ngọt. Cụ thể, nên hạn chế cho bé ăn các loại quả quá ngọt như xoài, chuối... mà nên cho bé ăn những loại quả ít ngọt hơn như thanh long, dưa hấu, đu đủ...

Hạn chế ăn da, óc, tim, gan, cật, thay các món chiên, quay, xào bằng các món luộc, hấp, kho. Trẻ cần được cho ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều, buổi tối hạn chế ăn trước khi đi ngủ. Tránh ăn khi xem ti vi, chơi game. Khi ăn, có thể cho bé ăn bằng chén đĩa nhỏ, nhìn chén đầy, thỏa mãn thị giác trẻ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý cho trẻ ăn đều đặn, không bỏ bữa, chỉ ăn khi thật sự đói, nên ăn chậm, nhai kỹ. Cũng không nên để bé quá đói, vì nếu bị quá đói bé sẽ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.

- Không dùng thuốc giảm béo khi không có chỉ định

- Kiên trì điều trị

- Bổ sung vitamin và khoáng chất hợp lý

- Tăng hoạt động thể lực, năng động. Xây dựng các thói quen hoạt động tốt như giảm thời gian nằm, ngồi lâu. Hạn chế hoạt động tĩnh như ngồi xem ti vi, chơi game quá lâu. Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động, tham gia ít nhất một môn thể thao.

Bác sĩ Thủy lưu ý, cần tính toán mức nạp và mức tiêu hao năng lượng hợp lý. Chẳng hạn muốn tiêu hao mức năng lượng 100 kcal cần hoạt động nặng như đá bóng 15 phút hoặc hoạt động vừa như đánh cầu 25 phút, cũng có thể đi bộ 40 phút. Dựa trên điều này, cha mẹ có thể đưa ra điều kiện với trẻ, chẳng hạn nếu trẻ đòi uống một lon nước ngọt có năng lượng hơn 100 kcal, phải trẻ cần phải hoạt động tiêu hao năng lượng bù lại, tức là phải đi bộ 1 tiếng.

Việc điều trị béo phì cần sự phối hợp gia đình và nhà trường. 50-60% lượng thực phẩm của trẻ ăn tại gia đình, trẻ ảnh hưởng bởi thói quen và lối sống của gia đình. Vì thế, gia đình cần sự cộng tác và hiểu biết. Ở nhiều gia đình, bố mẹ không cho con ăn nhưng ông bà thương cháu nên lén cho ăn, kết quả là cân nặng của trẻ càng ngày càng tăng.

Nhà trường cần tổ chức giờ chơi, vận động thể dục thể thao thường xuyên, tổ chức ăn uống phù hợp với nhu cầu theo từng lứa tuổi. Thầy cô giáo cần dạy cho trẻ thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh.

Lê Phương