Những đối tượng được trợ giúp pháp lý
Xã hội - Ngày đăng : 07:20, 07/05/2013
Xin hỏi quý báo, trợ giúp pháp lý là gì? Theo quy định của pháp luật thì những đối tượng nào được trợ giúp pháp lý?
Phạm Thị Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội)
Luật sư Lương Thị Trâm (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622619 - 37622620, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Theo quy định tại Điều 2, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điều 10, Luật Trợ giúp pháp lý và Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12-1-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 14/2013/NĐ-CP ngày 5-2-2013 của Chính phủ) thì những đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm: 1- Người nghèo được trợ giúp pháp lý là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật; 2- Người có công với cách mạng được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; 3- Người già được trợ giúp pháp lý là người từ đủ 60 tuổi trở lên, sống cô đơn, không có nơi nương tựa; 4- Người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới những dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa; 5- Trẻ em được trợ giúp pháp lý là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa; 6- Người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; 7- Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; 8- Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người.