Tư vấn hướng nghiệp phát huy tác dụng

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:51, 07/05/2013

(HNM) - Những diễn biến trong việc nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2013 cho thấy thí sinh theo sát thông tin tuyển sinh và ngày càng thận trọng, thực tế hơn trong việc chọn trường, chọn ngành.


Thí sinh Hà Nội né ngành "bão hòa"

Nét nổi bật, cũng là điều đáng mừng mà đại diện các sở GD-ĐT năm nay ghi nhận là lượng hồ sơ nói chung đã giảm mạnh, đặc biệt là của khối ngành kinh tế. Trong khi đó, các trường thuộc khối kỹ thuật, nông, lâm, y có lượng hồ sơ tăng đáng kể. Lượng hồ sơ ảo năm nay được hy vọng giảm nhiều, do nhiều thí sinh chỉ nộp 1-2 bộ, hầu như không có tình trạng nộp tới 4-5 bộ, thậm chí tới 10 bộ hồ sơ như nhiều năm.

Các thí sinh ngày càng thận trọng hơn trong việc lựa chọn trường, chọn ngành học.
Ảnh: Viết Thành


Là một trong những địa phương luôn có số thí sinh đăng ký dự thi lớn nhất trong cả nước, Thanh Hóa năm nay thu nhận ít hơn năm 2012 tới 16.000 hồ sơ. Thí sinh Thanh Hóa đăng ký nhiều nhất vào Trường ĐH Hồng Đức (hơn 6.500 hồ sơ), ĐH Công nghiệp Hà Nội (hơn 6.000 hồ sơ), ĐH Nông nghiệp Hà Nội (hơn 5.800 hồ sơ). Các trường ĐH Y Thái Bình, Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải có từ 1.300 đến 1.700 hồ sơ/trường. Hàng loạt tỉnh khác cũng có tình trạng giảm mạnh về số hồ sơ, thể hiện rõ ở Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Hà Nam... Bà Hoàng Bảo Hà, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nam xác nhận, năm nay lượng hồ sơ ít hơn năm ngoái khoảng 2.000 bộ, trong đó lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường khối ngành kinh tế giảm nhưng số đăng ký vào các trường ngành y - dược lại tăng nhẹ. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Du, đại diện Sở GD-ĐT Yên Bái đề cao vai trò của tư vấn tuyển sinh. Ông cho biết, ba năm nay tỉnh đã tổ chức tư vấn trực tuyến tại 7 điểm cầu, mở rộng đến từng giáo viên chủ nhiệm và mời gọi các trường ĐH, CĐ về tham gia hướng nghiệp, bởi vậy mà hồ sơ tập trung hơn, không tăng trong hai năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, tình trạng khó khăn của nền kinh tế, mức thu học phí và lệ phí thi đều tăng... cũng khiến thí sinh thận trọng hơn trong việc nộp hồ sơ cũng như lựa chọn ngành học - theo hướng chọn trường vừa sức, tránh ngành học đã bão hòa về đầu ra. Ngay cả trên địa bàn Hà Nội, nơi có điều kiện học tập thuận lợi, thí sinh cũng thận trọng hơn với khối ngành kinh tế. Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, mặc dù vẫn nằm trong nhóm 18 trường được ưa chuộng nhất nhưng Trường ĐH Thương mại năm nay chỉ có 5.274 thí sinh Hà Nội đăng ký, bằng 65% so với năm 2012 (8.169 hồ sơ). Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ có 4.148 hồ sơ của Hà Nội, cũng chỉ bằng 65% năm ngoái.

Đại diện Trường ĐH Thương mại cũng xác nhận: Năm nay, hồ sơ từ các tỉnh về trường giảm 20%-30%. Học viện Ngân hàng cho biết, số hồ sơ mà trường nhận được vào khoảng 8.000, giảm tới 20% so với năm ngoái.

Sư phạm mừng, khối C vẫn lo

Các trường ĐH-CĐ có điểm chuẩn không cao, chỉ tiêu lớn vẫn được coi là an toàn nên hút nhiều thí sinh. Đó là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đứng đầu về lượng hồ sơ ở rất nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc; ĐH Công đoàn có nhiều thí sinh Hà Nội đăng ký nhất và có thể kể thêm ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải... Bên cạnh đó là các ĐH vùng, các trường "gần nhà" - hứa hẹn giảm chi phí học tập - cũng thu hút một lượng hồ sơ lớn. Trong số 34.000 hồ sơ của thí sinh Hải Phòng thì 7.900 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Hải Phòng, 7.700 vào ĐH Hàng hải và 3.500 vào ĐH Y Hải Phòng. Có hơn 6.500 thí sinh Thanh Hóa chọn Trường ĐH Hồng Đức. 50% hồ sơ của tỉnh Bắc Kạn đăng ký vào ĐH vùng Thái Nguyên. Sơn La có 11.275 hồ sơ thì Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và ĐH Tây Bắc chiếm gần 1/2.

Đặc biệt, năm nay, ngành sư phạm vẫn ghi nhận những tín hiệu đáng mừng có từ mùa tuyển sinh trước. Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường khoảng 15.000, tăng hơn 5.000 so với năm 2012. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nằm trong nhóm 10 trường được ưa chuộng của thí sinh Hà Nội, với 5.519 hồ sơ.

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng, các chuyên gia tuyển sinh vẫn lo ngại trước tình trạng hiu hắt của khối C. Tỉnh Thanh Hóa chỉ có 5.302 hồ sơ đăng ký thi khối C (9%), Vĩnh Phúc chỉ có khoảng 1.800 hồ sơ (9,6%), tỉnh Bắc Giang có chưa đến 2.000 (8%). Tại Hà Nội, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa - 4,24%, tiếp tục giảm so với năm 2012 (4,54%).

Không chỉ báo hiệu thêm một mùa tuyển sinh ảm đạm của khối C, những thông tin ban đầu còn cho thấy các trường CĐ cũng sẽ rất chật vật vì thiếu nguồn tuyển, do lượng hồ sơ giảm sâu. Điều này, một phần là do quy định thi liên thông lên ĐH, CĐ mới được áp dụng mà theo đó, thí sinh tốt nghiệp trường TC, CĐ chưa được 36 tháng, muốn liên thông lên bậc học cao hơn thì phải thi "3 chung". Bởi vậy, thí sinh có tâm lý né trường CĐ, chọn bậc ĐH để không phải thi liên thông.

Quỳnh Phạm