Đầu tư nước ngoài: Điểm sáng "nhiều trong một"

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 07/05/2013

(HNM) - Bốn tháng đầu năm nay, nền kinh tế tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực dồn nén từ năm trước khiến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là hoạt động đầu tư chưa thể thoát khỏi tình trạng trầm lắng.

Tổng mức giải ngân 4 tháng đầu năm nay của các nhà ĐTNN đạt 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2012. Thực tế này cho thấy sự quyết tâm của giới đầu tư trước các cam kết của họ khi xin cấp phép, nhưng quan trọng hơn là niềm tin của họ khi quyết định triển khai dự án ở Việt Nam trong bối cảnh sức cạnh tranh trong thu hút ĐTNN ngày càng gay gắt tại Châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á.

Dây chuyền sản xuất điện thoại tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm


Hoạt động xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) cũng là một điểm nhấn khi đạt 25,527 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 64,69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều loại sản phẩm của các DN có vốn ĐTNN đã khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường quốc tế, như điện thoại và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử, bán dẫn, hàng dệt may, dây cáp điện… Xét về vốn đăng ký, trong 4 tháng qua, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 8,219 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Đây tiếp tục là sự bù đắp kịp thời và phù hợp, được giới chuyên gia nhận định là một động thái tích cực trong bối cảnh thiếu vốn, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, nhưng đáng lưu ý là riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN, với 164 dự án đăng ký đầu tư mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,413 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỷ lệ trên là rất cao, thậm chí ngoài sự mong đợi của cơ quan quản lý, bởi thông thường, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 65-75% trong thời gian trước và đã được coi là chấp nhận được. Việc phần lớn nguồn vốn mới cấp phép đổ dồn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo hoàn toàn đúng với định hướng thu hút và sử dụng vốn ngoại của Chính phủ, là nguồn lực thúc đẩy, tăng tốc quá trình CNH-HĐH của đất nước.

Một sự thay đổi khá ngoạn mục đã xuất hiện khi một số địa phương không có thế mạnh về nguồn lực, không phải là trung tâm công nghiệp, thương mại đang nổi lên là "ứng cử viên" sáng giá trong thu hút vốn ĐTNN. Đó là trường hợp Thanh Hóa với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư; Thái Nguyên trở thành "ngôi sao" sau khi cấp phép cho dự án sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Việc hai tỉnh nói trên đón nhận dự án ĐTNN quy mô rất lớn cũng như một số tỉnh, thành phố khác đang tiếp nhận dự án ĐTNN cũng là một diễn biến mới lạ trên bản đồ phân bố ĐTNN cả nước. Nguồn ngoại lực đang từng bước được điều chỉnh theo hướng ngày càng đồng đều tránh tình trạng "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra", nhất là hướng vốn ĐTNN "chảy" về những địa bàn kém phát triển; từ đó bổ sung năng lực sản xuất, tạo việc làm cũng như nguồn thu cho ngân sách ở những địa phương nghèo.

Như vậy, hoạt động ĐTNN 4 tháng qua đã giữ được sự ổn định và phát triển hơn hẳn các lĩnh vực khác, với hàng loạt chỉ tiêu, kết quả đáng ghi nhận - đó là thành công "nhiều trong một"…

Anh Minh