Tổ chức Y tế thế giới cam kết hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh cúm

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:49, 07/05/2013

(HNM) - Ngày 6-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị nhằm huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam...

Các vấn đề về sự lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 ở người; những hoạt động ưu tiên và nhu cầu huy động cho phòng, chống cúm A/H7N9 tại Việt Nam; hoạt động ưu tiên cho phòng, chống cúm A/H7N9 trong ngành nông nghiệp… đã được báo cáo tại hội nghị.

Ảnh minh họa.


Theo ghi nhận của Cơ quan đầu mối IHR- WHO, tính đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 128 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 27 ca tử vong, có 26 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 75 bệnh nhân khác đang được chăm sóc, điều trị đặc biệt. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát thành đại dịch ở nước ta. Đáng lưu ý, loại virus này độc lực thấp ở gia cầm, nên khó phát hiện gia cầm bị nhiễm bệnh, virus không làm gia cầm chết nhưng lại gây tử vong ở người. Với các chùm ca bệnh ở 2 gia đình tại Trung Quốc, không thể loại trừ hiện tượng lây truyền từ người sang người dù hiện nay chưa đủ bằng chứng về việc này. Việc chưa rõ nguồn bệnh và đường lây truyền khiến công tác phòng, chống vô cùng khó khăn. Theo các chuyên gia, tại Trung Quốc, số liệu chứng minh gia cầm là một nguồn lây nhiễm quan trọng. Trong khi đó, tại các chợ buôn bán gia cầm ở Việt Nam, trong số các mẫu gia cầm lấy tại 425 chợ ở 30 tỉnh, thành, rất nhiều mẫu có virus cúm H5; 2 mẫu vịt tại An Giang và Đồng Tháp dương tính với virus cúm H7. Tại Lạng Sơn, nhiều mẫu gia cầm giám sát tại chợ hoặc bị thu giữ dương tính với virus H5N1.

Để đề phòng dịch cúm bùng phát trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia cận Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, WHO kêu gọi các nước nâng cao công tác phòng, chống đối với các loại bệnh dịch, nhất là dịch cúm A/H7N9. WHO cam kết sẽ chủ động phối hợp với các nước trong việc tuyên truyền, đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm đối phó với bệnh dịch.

Theo Bộ Y tế, nếu dịch xảy ra, Việt Nam sẽ cần các tổ chức quốc tế hỗ trợ khoảng 10 triệu đến 78,4 triệu USD. Hiện nay, các Trung tâm cúm quốc gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, chẩn đoán, xác định virus cúm A/H7N9 ở người. Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT tiếp tục khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng bệnh mà WHO đã đưa ra: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng thực phẩm từ gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được nấu chín; hạn chế tiếp xúc với gia cầm hay nơi nhiễm phân gia cầm. Những người có biểu hiện viêm đường hô hấp, sốt, ho, khó thở thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, bởi các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 thường có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, tiến triển rất nhanh, dễ tử vong.

Trúc Linh