Việc làm phải hợp lòng dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:38, 07/05/2013
Thực ra, đây không hẳn là vấn đề mới với Hà Nội. Trước đó, đã có chuyện phát lộ Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long khi làm móng một công trình lớn, tìm ra những đoạn thành cổ từ việc đục thông đường Hoàng Hoa Thám để kéo dài đường Văn Cao ra hướng hồ Tây, cải tạo nút giao thông Đào Tấn - Bưởi, xây tòa nhà cao tầng cuối đường Trần Phú… ngay việc tìm ra một phần đàn Xã Tắc khi làm đường Xã Đàn cũng thuộc dạng này. Mỗi lần như vậy, thường có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Bảo tồn và phát triển luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau, không chỉ hiện tại và tương lai mà đã từ hàng trăm năm trước, ở nhiều nơi trên thế giới. Trong kiến trúc, phá đi để có mặt bằng xây mới hay bảo tồn cái cũ, cố giữ nguyên trạng cái cũ luôn đặt ra những bài toán khó. Tình cờ làm phát lộ di tích đàn Xã Tắc khi mở đường, tạm thời lấp cát di tích, chờ khi có điều kiện sẽ mở rộng việc khai quật, có hướng xử lý di sản này là một quyết định đúng, có cơ sở thực tiễn và khoa học. Nhưng đường Vành đai 1 không dừng lại ở đó, nó cần hoàn thành, đồng thời với nó là giải tỏa điểm nút giao thông Ô Chợ Dừa thường xuyên ùn tắc, là một yêu cầu của phát triển. Không thể vì di tích đàn Xã Tắc mà bỏ dở dự án đường Vành đai 1, ngừng việc giải tỏa Ô Chợ Dừa; nhưng cũng không thể vì những lý do về giao thông, sự phát triển của thành phố mà phá hỏng hoặc làm giảm giá trị của đàn Xã Tắc, tìm được phương án bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là lời giải của bài toán khó này.
Trong quá trình đi tìm lời giải, có rất nhiều trở ngại: Thứ nhất, tài liệu ta không có đủ. Hoàn cảnh Việt Nam nắng lắm mưa nhiều, lụt bão quanh năm, bị chiến tranh liên miên tàn phá làm biến dạng cảnh quan, công trình kiến trúc. Các triều đại phong kiến lại thường phá hủy triệt để những dấu tích của triều đại trước. Trong bối cảnh ấy, không ai có thể nói mình đã có đầy đủ tài liệu về thành Thăng Long cũ, càng không thể có một bản quy hoạch nào đó dự báo được chính xác các di tích, di sản còn nằm dưới lòng đất của Hà Nội cổ để không xâm phạm vào nó khi xây dựng mới. Muốn có bản quy hoạch có chú thích đầy đủ, chính xác vị trí các di tích ấy cần rất nhiều tiền của để khảo sát, dỡ bỏ hàng trăm ngôi nhà, đào bật cả Hà Nội lên và đó là điều không tưởng, ngay cả khi có tiền, với bất cứ chính quyền nào. Cho nên, bản quy hoạch có chú thích vị trí di tích hay ý kiến của các nhà khoa học dự báo về di tích chỉ là tương đối, đúng được 70% đã là mừng, không nên đổ lỗi cho nhau. Cách làm như đã ghi trong Luật Di sản là trước khi xây dựng công trình mới cần có kết luận khảo cổ học về đất móng công trình ấy là cách làm tối ưu, hiện nay cũng như sau một thời gian dài nữa. Thứ hai, phải thống nhất với nhau quan điểm không phải những gì đã có đều là di tích, đều phải bảo tồn. Nếu với quan điểm ấy, ở Hà Nội, đào lên ở đâu cũng gặp di tích, cũng phải giữ lại, thì sẽ không còn đất có thể xây dựng mới được nữa. Có những di tích không cần giữ lại, có những di tích phải kiên quyết bảo tồn. Thống nhất được quan điểm ấy, những gì có lợi cho dân, cái gì dân đồng tình thì làm, không nên tạo ra sự ồn ào không đáng có như vừa rồi.
Trở lại với điểm nút giao thông Ô Chợ Dừa, có thể khẳng định đàn Xã Tắc mới phát lộ tuy chưa đầy đủ nhưng đã chứng tỏ đây là một di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh có giá trị, cần được bảo tồn, tôn vinh. Tuy nhiên, việc tiếp tục hoàn thành đường Vành đai 1, giải tỏa nút giao thông Ô Chợ Dừa là cần thiết và cấp bách. Đã hơn 20 năm nay, đường Vành đai 1 chưa hoàn thành, mà càng để lâu việc thực hiện càng khó khăn, vốn đầu tư càng lớn.