40 năm, 20 năm và những bức thư
Văn hóa - Ngày đăng : 14:23, 06/05/2013
Nhưng, những dấu ấn không thể phai mờ về những năm tháng ấy, tôi còn giữ vẹn nguyên bởi dường như đó đã là phần đời đáng nhớ nhất của chúng tôi, những người lính sư đoàn 325 vốn phải “è lưng chịu trận” không chỉ 81 ngày đêm giữ Thành, mà còn rất lâu sau đó trong các trận đánh ác liệt bảo vệ những vùng đất Quảng Trị cho đến sau ngày ký Hiệp định Pa-ri 27-1-1973 vì các trận lấn chiếm liên tục của địch.
Mới đó mà đã hơn 40 năm, thậm chí ngày Giải phóng Sài Gòn 30-4-1975 hào hùng ngày ấy cũng đã cách xa 38 năm trời. Đất nước thống nhât, dân tộc đồng hành trên con đường dài mà giờ đây những đổi thay tích cực đã khiến nhiều người trong lứa chúng tôi được hưởng thành quả cơm no áo ấm đã rưng rưng mỗi khi nhắc tới đồng đội hy sinh oanh liệt xưa trong những lần tụ hội. Và, như thành lệ, hàng năm dịp này, nhiều đoàn cựu chiến binh cùng bao đoàn thể mọi miền hành hương về đây, thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc và thống nhất tổ quốc. Tôi là một trong những người hành hương như thế. Và mỗi lần vào Quảng Trị là một lần gặp lại nhiều bạn chiến đấu xưa, gặp lại nhiều o du kích Triệu Thượng, trong đó có nhiều o đã sát cánh cùng bộ đội chúng tôi những ngày chiến đấu ác liệt ấy.
Tôi còn nhờ năm 1992, khi gặp chúng tôi ở Quảng Trị, nhà văn Nguyễn Quang Lập, lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt, đã nhờ tôi viết bài nhân dịp 20 năm “mùa hè đỏ lửa”1972. Tôi đã nhận lời và viết về kỷ niệm chiến đấu của tôi bên o xã đội trưởng du kích Triệu Phong, O Diệp trong những tháng năm đáng nhớ ấy. Câu kết của bài viết da diết của tôi, tôi còn nhớ: “Diệp ơi, giờ này em ở đâu” đã như một câu hỏi chung mà bạn bè và người có trách nhiệm xã hội tại đó đã cùng bỏ công đi tìm. Và, họ đã tìm được Diệp. Những thông tin này, mãi sau gần hai chục năm tôi mới biết qua các đồng đội xưa bởi một bức thư tay của một o du kích Quảng Trị ngày ấy gửi tôi để báo tin. Bức thư bà Bùi Thị Minh Tâm, cựu du kích Triệu Phong gửi tôi sau được đăng trên Tạp chí Cửa Việt năm 2008 (tôi không nhớ tháng) đã khiến tôi càng cảm kích về tấm lòng những người bạn chiến đấu từng một thời chia lửa cùng nhau ở mảnh đất chiến tranh khốc liệt chưa từng thấy ấy.
Bức thư viết: “Anh Huy Thịnh thân mến !
Khi về Đông Hà - Quảng Trị, tôi ghé thăm “O xã đội” năm xưa, cô ấy khoe với tôi bài bút ký “Bây giờ người ấy ra sao” anh gửi đăng ở tạp chí Cửa Việt số 11 trang 27 năm 1991.
Quả thật, sau khi đọc xong tôi vô cùng cảm động và nói ngay với bạn: Cậu có muốn mình tìm người ấy không? Và chúng tôi sôi nổi nói với nhau về sự ác liệt của bom đạn ở bờ bắc Thành Cổ Quảng Trị, về 81 ngày đêm bám trụ kiên cường đánh giặc giữ làng, và kỳ diệu thay sự sống vẫn trường tồn như “Cỏ non Thành Cổ”.
Anh Thịnh à ! Ngày ấy đứng trước anh là một “O xã đội” rất trẻ, nhỏ nhắn, dễ thương, hồn nhiên mà gan dạ dũng cảm. Là một cây bắn tỉa súng trường K44, cây súng AK báng gấp và luôn bên mình mang theo một khẩu cối cá nhân M79 (chiếm lợi phẩm của Mỹ) mỗi khi có mục tiêu xuất hiện bên kia sông Thạch Hãn là như đạn tiêu diệt quân thù. Chắc anh còn nhớ! Tình cờ lần đầu tiên “Người ấy” gặp anh trong lúc đi tuần tra. Vì trước đó một vài hôm bọn lính thuỷ quân lục chiến thuộc lữ đoàn 147 của địch đổ bộ vào làng Nhan Biều, nhằm lấn chiếm vùng giải phóng phía bắc Thành Cổ Quảng Trị. Chúng gặp ngay du kích địa phương và bộ đội chủ lực phối hợp chặn đánh, đập tan ý đồ lấn chiếm của chúng. Sau trận chiến đấu đó “O xã đội” Bích Diệp cùng với anh Kiều, anh Siêu du kích xã được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” vào ngày 02/11/1972. Lực lượng du kích xã tôi hồi đó trên 100 người hầu hết là những chàng trai, cô gái ở vào tuổi mười bảy đôi mươi, luôn lạc quan yêu đời và gan dạ đánh giặc.
Nhờ gặt hái, lập được nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà sau này giải phóng du kích và nhân dân xã Triệu Thượng của tôi được tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cho đến bây giờ anh vẫn thắc mắc tại sao tôi chưa đi vào thẳng vấn đề ư? Vâng! đã lâu rồi tôi mới gặp lại đồng đội nên chúng tôi cứ mãi hàn huyên chuyện ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 mà quên rằng “Có một người” ngồi nghe chuyện của chúng tôi không sót một chi tiết và cuối cùng chị ấy bảo rằng “Thôi dì à - đừng tìm anh ấy nữa”. Có lẽ đó là lý do mà bạn tôi không hồi âm cho anh.
Nhưng trong 14 năm trời tôi luôn suy nghĩ rằng cho đến bây giờ anh vẫn chưa rõ “Người ấy” bây giờ còn sống hay đã hy sinh, có thương tích gì không? Và nếu còn sống bây giờ ở đâu ? ra sao?. Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, các cô, các cậu du kích và các anh, ngày đó nay đã trở thành cô, thành bác … Nhưng nỗi đau khi có dịp gặp lại nhau thì cứ ngỡ mình còn rất trẻ như ngày nào? Vẫn vô tư kể chuyện ngày xưa, rộn vang tiếng cười và cả những giọt nước mắt nhớ đồng đội đã hy sinh!.
Năm tháng đi qua, những hố bom, hố pháo sẽ được lấp đầy, những ngôi nhà bị bom đạn tàn phá được xây dựng lại, cây cỏ đã hồi sinh. Nhưng những ký ức về đồng đội, về cuộc đời xông pha trận mạc, về tình cảm của con người trong gian khổ, chiến đấu đã in đậm trong mỗi trái tim chúng tôi. Về một thời đánh Mỹ cứu nước.
Xin báo tin vui cho anh “Người ấy” bây giờ vẫn còn… sống mạnh khoẻ, đã có mái ấm gia đình hạnh phúc. Với một cô con gái, một cậu con trai khoẻ, ngoan, học giỏi đang miệt mài trên bục giảng đường đại học. Thiệt thòi bao nhiêu được bù đắp bấy nhiêu phải không anh?
Cảm ơn anh đã dành nhiều tình cảm cho “O xã đội” nhỏ của chúng tôi, cho quê hương Quảng Trị một thời đạn bom máu lửa. Kính chúc anh và gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Đà Nẵng, tháng 7 năm 2008
Chào thân ái
B.T.M.T
Bức thư đã khiến tôi bồi hồi rất lâu và nhận ra rằng tôi đã vẫn được nhớ tới trong lòng không ít bạn chiến đấu ở đó. Và thưa thật với bạn đọc quý mến rằng, mãi sau này, tôi mới được gặp lại O Diệp anh dũng thủa nào khi cả hai chúng tôi đã vào tuổi khả kính trong mắt nam thanh nữ tú và có dịp cùng nhau ôn lại chuyện xưa ngay trên mảnh đất mà bốn mươi năm trước chúng tôi đã sát canh bên nhau chiến đấu hy sinh mà không hề có chút toan tính nhỏ nhoi, vụ lợi nào!
Bốn mươi năm cho một sự hồi sinh vùng đất thiêng ấy. Còn tôi thì, có bức thư phải đi gần hai chục năm mới tới tay tôi. Ôi, thời gian và bao trắc trở kia ơi, ngươi cóa thể làm chậm đi nhiều bước chân, nhưng ngươi không thể làm phai nhạt nghĩa tình đồng đội của chúng ta, những người từng hiến dâng tuổi đôi mươi cho quê hương, đất nước như là điều tình nguyện đương nhiên của thế hệ cháu con Bác Hồ ta giai đoạn hào hùng ấy!
Và, tôi xin mạn phép quý bạn đọc rộng lượng của tôi để trich dẫn ra đây bức thư của các cựu chiến binh sinh viên từng chiến đấu bảo vệ Quảng Trị những năm tháng ấy gửi học sinh sinh viên hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhân dịp hai trường này tổ chức chương trình “Học tập truyền thống, nâng cao lòng yêu nước, hiến dâng tuổi xuân cho đất nước” dịp mới đây:
…Chúng tôi cảm động khi được thay mặt các bạn bè đồng đội trường ĐH Tổng hợp Hà Nội xưa, nay là ĐHKHTN và ĐH KHXH-NV nói nỗi lòng mình trong ngày hôm nay, khi mà chúng tôi, những người lính sinh viên năm ấy giờ đã vào cái tuổi LỤC THẬP HOA GIÁP cả rồi!
Thưa các thầy và các bạn sinh viên thân mến! Chúng tôi giờ đây từng đã là sinh viên của hai trường này không phải một lần, mà hai lần. Không phải bởi chúng tôi học hành kém cỏi. Mà bởi kẻ thù không cho chúng tôi điều kiện học một lần xong một trường. Hồi ấy, chúng tôi tình nguyện ngừng học tập, tất cả, không riêng một ai. Đơn chúng tôi viết mực, có người viết máu để xin ra trận. Một trong những người viết đơn bằng máu là anh Phan Hướng K14 khoa Văn khi Quảng Trị quê anh bị kẻ thù dày xéo, họ hàng anh bị địch trả thù.
Thưa, chúng tôi nói liệu có quá đáng rằng: Mối thù thì dứt khoát phải trả trên chiến trường. Bởi thế, những tháng năm 65-67, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt thì có nơi nào mà không có thù nhà với kẻ xâm lược? Cũng bởi thế, thù trả là phải ra mặt trận!
Chúng tôi, gần 400 anh em sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội đã lên đường trong không khí ấy – cái không khí ban đầu còn pha chút vẻ lãng mạn nữa là khác, bởi đàn ghita chả trung đội lính sinh viên nào là không có trong những tháng đầu khoác áo xanh thành anh bộ đội…Và, có quá không khi nói rằng, với gần 4.000 sinh viên, cán bộ giảng dậy đại học nhập ngũ những năm ấy, chất lượng anh Bộ đội Cụ Hồ đã được nâng bổng lên vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh vệ quốc khi họ chủ yếu vào những đơn vị kỹ thuật. Và tôi có thể nêu ra đây ví dụ về các bạn sinh viên khoa Toán với những người có thể thuộc nhiều trang của cuốn lôgarit thập phân khi tính toán phần tử trong bắn pháo nhanh như chớp…Điều này hoàn toàn có ý nghĩa thực tiễn trong các trận chiến mà tôi được tham gia!
Tôi và nhiều anh em khoa Văn được biên chế sau cùng về sư đoàn bộ binh 325, tôi thành trinh sát viên pháo binh tiểu đoàn hỏa lực 14 của sư đoàn. 3 tháng vượt Trường Sơn với hơn 50 kg trang bị còn chưa là gì, vừa đi vừa ngủ củng chửa là gì…đói ăn khát uống là điều chả là gì khi bắt đầu tham chiến ở Quảng Trị những năm tháng ấy.
Trận đầu xung trận, Dưỡng, Minh và một số anh em khác của khoa Toán đã tử thương. Một trái pháo trận khác đã cướp đi tính mạng của Sơn (ĐHBK), Dũng (khoa Toán Tổng hợp), Tài trinh sát viên và Ngân, tiểu đoàn bộ khi chúng tôi vừa ăn xong chuẩn bị lên đường đi mũi trinh sát …Lần đầu làm cái việc chôn đồng đội, tôi đã khóc như mưa như gió…
Rồi trận nối trận, rồi thời gian trôi qua với cái sột soạt của tử thần luôn bên chúng tôi mỗi khi sáp trận…Bom đạn nhiều không thể tả được! Nhưng chỉ có sự can trường, đôi khi liều lĩnh và cả sự may mắn của số phận nữa, nhiều người trong số đó mới có mặt ở đây hôm nay. Chúng tôi cứ nghĩ, nhiều bạn khác đã chết cho chúng tôi sống sót mà không sợ bị chỉ trích là duy tâm chút nào. Chúng tôi hàm ơn bao đồng đội và đó là một lý do khiến chúng tôi hiện nay vẫn sống tốt, sống có trách nhiệm và thẳng ngay cho xứng đáng với những hy sinh to lớn của những liệt sĩ bạn bè trong những trận chiến đấu khốc liệt quá sức ấy…
Tôi còn nhớ tháng 3 năm 1975, khi cùng sư 325 đánh Phan Rang, tôi lúc ấy là phóng viên mặt trận, đã cùng Lê Đỗ Khanh, bạn học cùng lớp k15 khoa văn, lúc ấy Khanh là trung đội trưởng chỉ huy tiểu đoàn 14, ăn dưa hấu với nhau trước 1 giờ nổ súng và còn hát ca khúc Nga “Giờ này anh về đâu” một cách lãng mạn chưa từng thấy. Và, trận ấy quân ta áp đảo địch một cách tuyệt đối! Cả một quân đoàn đánh tấn công. Tôi hạnh phúc khi chứng kiến một trận đánh hiệp đồng binh chủng lớn nhất đến lúc đó. Lê Đỗ Khanh đã mất cách đây vài năm khi anh 57 tuổi và chưa hề lập gia đình. Rồi trận chiến giải phóng Sài Gòn mà trước cửa ngõ của nó, họa sĩ Lê Duy Ứng cùng báo Chiến sĩ Giải phóng với tôi đã bị thương mù cả hai mắt….Những hình ảnh ấy không bao giờ phai nhòa trong tôi…
Kính thưa các thầy!
Thưa các bạn sinh viên yêu quý!
Thời gian đã đủ lâu cho nhiều vết thương lòng thành sẹo, nhưng có nhiều ký ức lại không thể nguôi ngoai. Những tình cảm sâu sắc nhất của đời người như tình bạn, tình đồng đội, sự thủy chung, vì nghĩa cả, thì với những người lính cũ từng trải trận mạc, không bao giờ chúng tôi để phai nhạt.
Chúng tôi đã qua những chặng đường dài với hành trang nặng những nỗi niềm, những nỗ lực và cả sự may mắn để bây giờ trong số những người lính học trò ấy nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo khả kính của Đảng và Nhà nước, các vị tướng và sỹ quan cao cấp tại ngũ, các GS TS trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, thành những doanh nhân khả trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhà văn, nhà báo có tên tuổi…được xã hội tin yêu…
Có một truyền thống chảy trong huyết quản chúng tôi để nó mau chóng trở thành và sống mãi là cái tên trường ĐHTH, mà cánh lính sinh viên chúng tôi vốn học tiếng Nga vẫn nói với nhau sau lưng các Chính trị viên hồi ấy về tên trường: Kha-nôi-xky Ga-xu-đa-ro-xtơ-ven-nưi U-nhi-ve-ro-xi-chet! Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội! Nói thế, không có nghĩa là tôi phân biệt ĐHTH với 2 trường giờ đây, chỉ tiếc thôi. Nhưng truyền thống thì vẫn “hai anh em chung một dòng máu!”
Truyền thống, đó chính là sự tiếp máu cho chảy mãi một dòng máu của mình, một dòng máu đỏ tươi đáng tự hào lúc bấy giờ. Nó có giá trị nâng mình lên, như một sực mạnh vật chất lớn lao giúp ta vượt qua lúc ta có phút yếu mềm.
Vì vậy, bằng tình cảm thắm thiết từ trái tim, tôi luôn mến yêu trường, cả hai trường, yêu các bạn sinh viên hai trường anh em sinh đôi này và chúc hai trường giành được ngày càng nhiều thành tựu, cả giáo dục cùng nghiên cứu khoa học, đóng góp cụ thể cho sư phát triển hai ngành quan trọng này của đất nước giai đoạn phát triển kinh tế tri thức.
Chúc quý vị và các bạn luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy niềm vui sống, sẵn sàng gặt hái thành công trong sự nghiệp riêng và chung cùng đạt được hạnh phúc đủ đầy như sở nguyện mình!
Thế đấy, bốn mươi năm cho một nỗi nhớ Một thời Hoa lửa; Hai mươi năm cho một bức thư đậm tình đồng đội đến được tay nhau. Tôi là người có may mắn có những thời khắc riêng để kỷ niệm Ngày Chiến Thắng theo cách hồi tưởng của mình. Và, hôm nay, tôi mong đất nước đổi mới rồi, cứ thế mà sát cánh bên nhau đi tới. Bởi có bao người ngã xuống nâng bước cho chúng ta đi tới một cách mạnh mẽ hôm nay!
Tháng Tư 2013