Sắp có đợt giảm lãi suất huy động VND?
Kinh tế - Ngày đăng : 11:32, 06/05/2013
(HNMO) - Từ hôm hôm nay (6-5), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm lãi suất huy động VND, đưa mức lãi suất cao nhất chỉ còn 8%/năm. Động thái này cho thấy các ngân hàng dường như sắp bước vào đợt giảm lãi suất mới.
Vietinbank tiên phong giảm lãi suất |
Cụ thể, theo biểu niêm yết vừa điều chỉnh tại Vietcombank, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm.
Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó.
Biên độ điều chỉnh lớn nhất lần này là 1%/năm, nằm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất cao nhất là 8%/năm. Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng được tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng mà không áp dụng mức trần 7,5%/năm.
So với biểu lãi suất của các ngân hàng khác, mức lãi suất huy động tại Vietcombank hiện thấp nhất khi đa số các ngân hàng huy động tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng ở kịch trần 7,5%/năm và trên 12 tháng giao động quanh mức 10%/năm.
Theo ghi nhận, đây là lần thứ 2 Vietcombank giảm lãi suất huy động VND tính từ khi NHNN áp trần lãi suất huy động 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua. Với 2 lần điều chỉnh liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng (lần điều chỉnh trước vào ngày 16-4), mức lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank kể từ ngày 6-5 chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của NHNN mức kỷ lục là 1,5%/năm.
Ông Nguyễn Phước Thanh-Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng chủ động giảm lãi suất huy động căn cứ trên 3 lý do chính. Thứ nhất, mặc dù lãi suất huy động trong thời gian qua liên tục giảm nhưng nguồn vốn huy động của Vietcombank vẫn tăng trưởng khá. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và vẫn được duy trì tốt trong thời gian khá dài, trong khi đó tín dụng vẫn hết sức trì trệ. Do vậy việc tiếp tục giảm lãi suất huy động là phù hợp với tình hình thanh khoản của ngân hàng cũng như tình hình thị trường nhằm tiếp tục tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thứ hai, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Tuy nhiên thực tế khó khăn nằm ở chỗ không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay quá thấp. Để cải thiện vấn đề này, mấu chốt là giảm lãi suất huy động. Hạ lãi suất huy động sẽ là mũi tên trúng 2 đích khi vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp.
Cuối cùng là, cần có ngân hàng đi tiên phong trong việc giảm lãi suất để tạo yếu tố cạnh tranh và định hướng. Việc Vietcombank chủ động giảm lãi suất không chỉ xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của ngân hàng mà còn nhằm thực hiện định hướng chỉ đạo của của Chính phủ và NHNN về việc giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn xuyên suốt trong thời gian qua.
Theo như thông lệ thị trường trong thời gian gần đây, việc giảm lãi suất của một ngân hàng dù nhỏ hay lớn ít nhiều cũng khiến các ngân hàng khác phải lưu tâm phân tích và đánh giá. Và với việc một ngân hàng lớn giảm lãi suất càng cho thấy động thái này chỉ ra rằng sắp có đợt giảm lãi suất mới.
Điều này là có thể xảy ra bởi tại báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô tháng trong quý 1-2003, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng vẫn còn dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10% bởi lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức rất thấp, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.