Ẩn họa tài chính nóng

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:52, 06/05/2013

(HNM) - Đã gần 5 thế kỷ qua đi, nhưng cơn sốt hoa tulip tại Hà Lan trong những năm từ 1634 đến 1638 vẫn luôn được nhắc đến như cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên trong lịch sử loài người.


Với sự yêu quý quá mức với loài hoa mà người dân thời đó tin rằng sẽ tăng giá nhanh chóng, tất cả vốn liếng của dân chúng gần như được đổ vào tulip. Một chậu hoa thậm chí có giá bằng một ngôi nhà. Tất nhiên sự phi lý khó tồn tại lâu. Bong bóng vỡ nát và để lại sự kiệt quệ cho các khổ chủ trót ôm mộng giàu nhanh. Câu chuyện quá khứ đã nhắc lại quy luật kinh tế luôn đúng: Khi dòng vốn chảy vào ồ ạt sẽ tạo nên bong bóng tài sản và một khi nó phình to quá mức sẽ để lại những hậu quả tai hại.


Một cảnh báo tương tự vừa được những tổ chức tài chính danh giá hàng đầu thế giới đưa ra với Châu Á. Từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và giờ đây là Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đều đã rung chuông báo động về tình trạng vốn nóng tại khu vực. Không phải lần đầu tiên nguy cơ tài chính nhiều rủi ro này với Châu Á được xướng danh. Kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) coi loại biệt dược hiếm kích thích kinh tế như những liều thuốc bổ thông thường qua 3 đợt bơm tiền khổng lồ vào thị trường, Châu Á đã nhận được những tín hiệu của mối họa tài chính nóng. Tỷ lệ lãi suất gần như bằng 0% trong thời gian dài tại Mỹ dần kéo theo cuộc đua hạ lãi suất khắp thế giới và mới đây nhất đã lan đến Châu Âu. Chưa khi nào kể từ khi đồng euro ra đời, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định đẩy lãi suất xuống mức siêu thấp 0,5%. Hàng nghìn tỷ USD "trôi nổi" bên ngoài khi Nhật Bản cũng tham gia "sân chơi" hạ giá đồng tiền với việc tung ra lượng tiền khổng lồ để mua tăng trưởng. Trong đó, ấn tượng nhất là cam kết bỏ 1,4 nghìn tỷ USD tiếp sức cho nền kinh tế trong vòng 2 năm tới. Cách "tiêu tiền" của các "nhà giàu" thế giới dù chưa phải là sự lựa chọn khôn ngoan nhất nhưng ít nhất đã tạo động lực nhất định cho các cỗ máy kinh tế đang vận hành ì ạch. Kinh tế Mỹ đã đạt được những bước hồi phục khả quan thời gian gần đây, trong khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng ngoạn mục trong năm nay. Nhưng ngay lập tức, các nhà phân tích kinh tế đã "nhắc nhở" Châu Á phải thận trọng với những hệ quả tiêu cực của chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu.

Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao lại là châu lục rộng lớn nhất thế giới chứ không phải bất kỳ một lục địa nào khác bị ảnh hưởng bởi các dòng "hải lưu" vốn? Thực tế cho thấy, dẫu rằng cũng bị điêu đứng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, song nhìn chung Châu Á được đánh giá vẫn là khu vực phát triển năng động nhất hành tinh. Theo đúng quy tắc kinh doanh, dòng tiền sẽ dừng ở nơi tạo ra lợi nhuận. Do đó, việc đón quá nhiều và quá nhanh các nguồn tiền đầu tư trên toàn cầu sẽ cùng lúc mang tới nguy hiểm về mất cân bằng tài chính cho khu vực luôn là tâm điểm phát triển của thế giới trong vài thập niên gần đây.

Cho đến nay, chưa có số liệu cụ thể nào thể hiện một sự mất cân đối tài khóa tại Châu Á. Tuy nhiên, sự tăng điểm của các thị trường chứng khoán Indonesia, Philippines, Thái Lan gần đây không phải là những dấu hiệu bình thường. Giữa lúc giá nhà đất là "điểm chết" của hàng loạt nền kinh tế, thì bất động sản ở Singapore và Hồng Kông bắt đầu cơn sốt mới buộc nhà chức trách phải có động thái "giải nhiệt". Vì thế, mặc dầu dòng vốn đang đổ về Châu Á chưa dư thừa đến mức đáng báo động, nhưng đã tiệm cận con số kỷ lục tại hầu hết các quốc gia, nhất là tại Đông Nam Á. Song song với đó, một số chỉ báo bất thường từ các nền kinh tế khiến mối lo ngại đó đang tăng lên. Đến nay, không chỉ người ngoài cuộc, mà các quốc gia trong châu lục cũng đã nhận thức được sự tồn tại của nguy cơ tiềm ẩn này. Bên lề cuộc họp thường niên của ADB đang diễn ra tại Ấn Độ, nhóm ASEAN+3 gồm 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí phải duy trì một chính sách tiền tệ tích cực phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong lịch sử kinh tế thế giới đã hơn một lần chứng kiến sự phình to rồi lại xì hơi của các bong bóng tài chính. Điều đó cho thấy việc kiểm soát các luồng vốn ngăn rủi ro không phải là chuyện dễ như trở bàn tay. Làm cách nào để kiềm chế những tác động ngược từ sự gia tăng nguồn cung tiền tệ trong khi vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng ổn định đang là một phương trình phức tạp đối với các quốc gia Châu Á. Thế nhưng, nhiệm vụ này phải được hoàn thành nếu như châu lục không muốn chứng kiến một sự tàn phá mới với hệ thống tài chính còn yếu ớt thời hậu khủng hoảng.

Vân Khanh