Mùa hè cẩn thận với bệnh dại
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:19, 06/05/2013
(Chị Nguyễn Thị Lan, Ba Vì)
- Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm vẫn có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại. Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền vi rút dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), sau đó là mèo.
Khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng vi rút dại tản phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc xin. Nếu đúng bị chó dại cắn, người bệnh không được tiêm vắc xin dại sẽ bị bệnh dại. Bệnh diễn biến theo 2 thời kỳ là ủ bệnh, phát bệnh. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 đến 4 ngày. Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn... Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều dẫn đến tử vong. Vì thế, ý thức phòng bệnh của người dân là rất quan trọng, đặc biệt khi đã nuôi chó phải chú ý tiêm phòng dại cho chó, thậm chí cả cho mèo.