Thế hệ đạo diễn sân khấu trẻ: Đãi cát tìm vàng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:03, 06/05/2013

(HNM) -

Dù rằng có những ngày tới ba suất diễn ở ba địa điểm cách nhau khá xa, thì người thưởng thức vẫn thấy thích thú, không mệt bởi các tác phẩm đều dễ xem, có sáng tạo, khá mạnh dạn và chững chạc trong dàn dựng. Những vở diễn của các đơn vị phía Bắc như "Nghĩa vụ thiêng liêng" (đạo diễn Trần Thư Nhàn - Nhà hát Kịch Quân đội); "Yêu không dễ dàng" (đạo diễn Lê Thúy Nga - Đoàn kịch Công an); "Tấm áo bào hoàng đế" (Đạo diễn Quang Thập - Nhà hát Chèo Ninh Bình); "Stereo woman - Được là chính mình" (đạo diễn Như Lai - Nhà hát Tuổi trẻ) chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả vì sự liền mạch trong đường dây kịch, ý đồ dàn dựng có tính bài bản, nghiêm cẩn… Tuy nhiên, do phương ngữ, do phong cách chung của kịch Bắc nên các vở vẫn khá khô cứng, không hợp với khán giả phía Nam, những người đã quen với những kịch mục nhẹ nhàng, chân thật, giản dị như cuộc sống vẫn vậy.


Số vở diễn của các đơn vị sân khấu phía Nam rõ màu sắc đời sống nhất chính là các vở đang được công diễn thường xuyên, chứ không phải các kịch mục được dàn dựng để dự thi. NSND Hồng Vân nói rằng, chị muốn tạo cơ hội cho người trẻ tham dự, mong họ tìm được lời giải cho những câu hỏi thường trực hiện nay, rằng tại sao các vở diễn được đồng nghiệp, báo giới khen thì khó có khán giả, trong khi những vở diễn bán được vé lại bị công luận chê tơi tả? Mong muốn của "bà bầu" này là các đạo diễn trẻ như Lê Quốc Nam, Diệp Tiên, Xuân Trang, Hòa Hiệp, Trịnh Kim Chi… có được kinh nghiệm, tìm được cách dựng sao cho có được khán giả mà vẫn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, một số vở diễn từ sân khấu Hồng Vân đã bộc lộ rõ tính tự nhiên, ít có sự xâu chuỗi chặt chẽ về tình tiết kịch, lạm dụng yếu tố gây cười, "nhát ma" khiến cốt truyện dàn trải, thậm chí trùng lắp… Hai vở cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang ("Trái tim trong trắng" của Phan Quốc Kiệt, "Đêm trước giờ hoàng đạo" của Lê Trung Thảo) có những mảng miếng đáng chú ý. Nhưng, được hoan nghênh nhất là ba vở của các đạo diễn trẻ thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh: Phan Nhật Phi Long - "Xin một cái tên", Nguyễn Khắc Duy - "Chicago", Cao Thanh Danh - "Ô ten lô", những vở diễn thể hiện sự mạnh dạn, sức sáng tạo của giới trẻ. Với Phan Nhật Phi Long, giải Vàng dành cho đạo diễn này là sự động viên cho một người trẻ dám đi vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống với cái nhìn nhân văn cùng cách thể hiện đa dạng, khá hiện đại. "Chicago" được các thế hệ nghệ sĩ đi trước tán đồng bởi Nguyễn Khắc Duy dám đưa vở diễn lừng danh thế giới đến với Việt Nam qua dàn diễn viên trẻ. "Ô ten lô", một vở kinh điển khác của thế giới cũng được "nhìn" bằng con mắt của người trẻ dám đổi mới. Tuy vẫn còn non nớt nhưng những tác phẩm này đã tạo được sự rung động trong khán giả.

Qua cuộc thi này, người trong giới đã nhìn thấy một thế hệ đạo diễn trẻ khao khát làm nghề. Tuy thế, những người trẻ có cơ hội phát triển hay không, có tiếp tục khẳng định mình ở vị trí đạo diễn hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là ý chí học hỏi vươn lên của chính họ. Bởi, như NSND Đoàn Dũng nói, các đạo diễn trẻ cần bước ra ngoài đời, tiếp xúc trực tiếp và đón nhận những gì mà thế giới đang mở ra, trong đó hẳn có rất nhiều điều khác lạ so với những gì mà họ đã được học.

Cao Ngọc