Tổn thất sau thu hoạch thủy sản: Hệ quả được báo trước
Kinh tế - Ngày đăng : 06:03, 06/05/2013
Công nghệ bảo quản sau khi thu hoạch thủy sản đang còn nhiều bất cập. Ảnh: Như Ý |
Tỷ lệ tổn thất chiếm 25%
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, mỗi năm ngành khai thác thủy sản Việt Nam đạt khoảng 2,2 triệu tấn nhưng tỷ lệ thất thoát còn khá lớn. Ước tính mỗi năm, Việt Nam chịu tổn thất 20 - 25% tổng sản lượng khai thác, làm mất hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do tàu khai thác, đánh bắt trên biển chủ yếu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm. Hiện nay, cả nước có khoảng gần 130.000 tàu khai thác hải sản nhưng tàu có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên chỉ chiếm khoảng 20%. Hiện các tàu cá vẫn giữ phương pháp bảo quản truyền thống là nước đá xay hoặc ướp muối, độ lạnh không đủ ở mức cần thiết nên tỷ lệ hư hỏng cao. Bên cạnh đó, cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá còn hạn chế; một số cảng cá, bến cá bị xuống cấp, không có khu tiếp nhận, phân loại hải sản. Hiện trong số 60 bến cá thường xuyên neo đậu tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ chỉ có 10 bến đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ. Tại các bến cá có 81 chợ nhưng hầu hết chưa được đầu tư đạt tiêu chuẩn, gây khó khăn cho việc tập kết thu mua.
Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Phạm Ngọc Tuấn cho biết, do các tàu khai thác công suất nhỏ nên chất lượng hầm bảo quản chủ yếu làm bằng xốp, chất lượng nước đá không bảo đảm. Ngoài ra, trình độ dân trí của ngư dân còn thấp, hầu hết chưa học hết phổ thông, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối nên không có khả năng lập các thủ tục để vay vốn ngân hàng, không có điều kiện để đầu tư trang thiết bị hiện đại trên thuyền phục vụ cho công việc khai thác.
Hỗ trợ về vốn và công nghệ
Mục tiêu của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thủy sản xuống còn 10% đang trở thành thách thức lớn. Muốn làm được điều này cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhất là việc hỗ trợ vốn cho ngư dân để, mua sắm trang thiết bị đánh bắt và tàu công suất lớn. Ông Nguyễn Ngọc Oai cho rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn nên các đơn vị cần nghiên cứu kỹ các phương án trước khi trình Chính phủ để hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch thủy sản nhằm giúp ngư dân được vay vốn theo kiểu tín chấp và hỗ trợ lãi suất. Hằng năm Nhà nước nên dành một phần kinh phí đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá để xây dựng đồng bộ các khâu trong bảo quản. Các ngân hàng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay đối với ngư dân vì trình độ nhận thức của họ có hạn. Ngành thủy sản cũng cần đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn cho ngư dân các phương pháp ứng dụng thiết bị, máy móc để họ có kiến thức về bảo quản sau thu hoạch đúng quy trình, tránh tình trạng học theo kiểu dựa vào kinh nghiệm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch thủy sản, nhà nước cần hỗ trợ cho các đơn vị nông nghiệp đẩy mạnh việc thực hiện các đề án khoa học trong lĩnh vực này, trong đó cần xây dựng quy trình công nghệ xử lý, bảo quản hải sản trên tàu khai thác xa bờ. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cải tiến và áp dụng hệ thống cách nhiệt hầm bảo quản và hệ thống bảo quản sản phẩm bằng nước biển lạnh trên tàu cá một cách khoa học. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ như đầu tư máy móc, thiết bị hầm bảo quản bằng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Các địa phương cần tuyên truyền để ngư dân thành lập các tổ hợp tác sản xuất trên biển để giúp nhau trong khai thác và đầu tư các dịch vụ hậu cần để nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch.