Tổng thống Mỹ công du Mexico: Củng cố quan hệ đồng minh

Thế giới - Ngày đăng : 05:43, 05/05/2013

(HNM) - Lần đầu tiên tới Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn Mexico là điểm khởi đầu trước khi đến một quốc gia Trung Mỹ khác là Costa Rica dự Hội nghị Thượng đỉnh của Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA).



Sự lựa chọn của người đứng đầu nước Mỹ không gây bất ngờ nhưng đã khắc họa rõ thêm chính sách đối ngoại của Washington. Theo đó, người láng giềng phía nam tiếp tục có vị trí quan trọng trong chiến lược kinh tế, chính trị của chính quyền Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Mexico Enrique Pena Nieto.


Ngay trước chuyến công du, ông chủ Nhà Trắng đã không hề úp mở rằng thúc đẩy hợp tác kinh tế sẽ là chủ đề chính trong các cuộc gặp gỡ giữa ông và người đồng nhiệm Mexico, Enrique Pena Nieto. "Đây là một đối tác thương mại lớn, liên quan trực tiếp đến số lượng thanh khoản khổng lồ và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho cả hai bên biên giới", tuyên bố của ông Obama đã khẳng định rõ mục tiêu trong lần "xuất ngoại" mới nhất. Mexico hiện là bạn hàng lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada, trong khi Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Mexico với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 500 tỷ USD trong năm 2012. Trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới đang phục hồi chậm chạp, chắc chắn Washington không thể bỏ lỡ đối tác kinh tế đầy tiềm năng này. Thậm chí, một số nhà phân tích cho rằng quan hệ thương mại với Mexico có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Là điểm đến lớn thứ hai của hàng hóa Mỹ, Mexico đã mang lại hàng chục triệu công ăn việc làm cho công dân nước này. Xuất khẩu hàng hóa hằng năm của xứ Cờ hoa sang Mexico cao gấp đôi so với sang Trung Quốc (đối tác thương mại lớn thứ ba), gấp 3 lần sang Nhật Bản và gấp 4 lần sang Anh. Ngoài ra, việc Mexico tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp Mỹ tiếp tục củng cố thành công trong quan hệ thương mại với hai nước và tạo thêm việc làm, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao tại nước Mỹ.

Vấn đề an ninh giữa hai nước láng giềng này cũng luôn là trọng tâm của các đời tổng thống Mỹ, chủ yếu liên quan đến buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức. Gần như hằng ngày, mở bất cứ tờ báo Mexico nào người ta cũng có thể tìm thấy những vụ án man rợ liên quan đến ma túy đăng ở ngay trang đầu hoặc trang giữa. Buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức không chỉ là vấn nạn của riêng Mexico mà nó còn gây bất ổn cho người láng giềng khổng lồ Mỹ. Tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi hai nước phải hợp tác xuyên biên giới để giải quyết các quan ngại chung. Trước đây, vai trò quốc gia trung chuyển của Mexico không được Mỹ nhìn nhận đúng mức trong các nỗ lực chống ma túy, thay vào đó Mỹ tập trung đầu tư vào Colombia. Tuy nhiên, tình hình bạo lực gia tăng tại khu vực biên giới với Mexico đã khiến Mỹ bừng tỉnh và chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống buôn lậu ma túy của cựu Tổng thống Mexico Calderon từ năm 2007. Dưới thời Tổng thống Obama, người đứng đầu Nhà Trắng đã tái khẳng định cam kết ủng hộ tài chính cho nỗ lực chống buôn lậu "cái chết trắng" tại quốc gia láng giềng. Bảo đảm một đường biên giới an toàn cũng là yếu tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ từ năm 1929 khi vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến các nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại của hai quốc gia.

Với Mexico, chuyến viếng thăm của người đứng đầu nước Mỹ cũng đã gửi đi những thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ của Washington với chính phủ non trẻ của Tổng thống Nieto cùng các chương trình cải cách do ông khởi xướng. Nền kinh tế lớn thứ hai tại Mỹ Latinh đang mong đợi những thời cơ mới từ kế hoạch thay đổi nhiều kỳ vọng của ông Nieto.

Có đường biên giới chung dài hơn 3.200km, cả Mỹ và Mexico đều chia sẻ những lợi ích chung trong việc củng cố hợp tác kinh tế và bảo đảm an ninh. Sau chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng, Mexico một lần nữa đã được xác định như một ưu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama. Do đó, mối quan hệ tương tác "đôi bên cùng có lợi" với đồng minh lâu năm Mexico sẽ trở thành một trọng tâm trong chiến lược của Mỹ với khu vực Mỹ Latinh đang phát triển nhanh chóng.

Thùy Dương