Cuộc sống của người chuyển giới: Bức tranh nhiều mảng tối
Đời sống - Ngày đăng : 08:04, 04/05/2013
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người chuyển giới khá phổ biến và ở mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với người đồng tính. Bên cạnh việc bị kỳ thị do có quan hệ đồng giới, họ còn bị phản ứng từ gia đình, bạn bè, cộng đồng do sự thể hiện giới tính khác với vai trò giới được mong đợi. Khảo sát của iSEE cho thấy, 49,4% người chuyển giới từ nữ sang nam đã từng bị cha mẹ ép trở nên nữ tính hơn. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử diễn ra phổ biến trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Mọi người đều quan niệm rằng, chuyển giới là "bệnh hoạn" và do "a dua" mà ra. Phản ứng của gia đình thường là phản đối, nhiều trường hợp phụ huynh ép con đi gặp bác sĩ tâm lý với hy vọng điều chỉnh con mình sống đúng với giới tính sinh học. Bên cạnh hình thức phổ biến là bạo lực lời nói, nhiều người còn bị đánh đập, thậm chí đuổi ra khỏi nhà. Một người chuyển giới từ nam sang nữ ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngày nào cũng bị ba mẹ cằn nhằn về giới tính, cứ la và bảo không thể chấp nhận một thằng con trai như vậy. Ba mẹ nói: "Mày là thứ gì chứ không phải là người!".
Một người chuyển giới từ nữ sang nam (bên phải) đang làm việc tại Trung tâm Bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới ICS. |
Người chuyển giới từ nam sang nữ thường xuyên bị gọi bằng các ngôn ngữ mang tính kỳ thị như "pê đê", "bóng". Đây là nhóm dễ bị kỳ thị và phân biệt đối xử hơn so với nhóm chuyển giới từ nữ sang nam. Cũng theo nghiên cứu của iSEE, có 12,4% người chuyển giới từ nữ sang nam đã bị cha mẹ mắng, xúc phạm, 4,1% bị cha mẹ đánh và 4,6% bị cha mẹ từ mặt hoặc đuổi đi.
Việc xác định lại giới tính được quy định tại Điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về Xác định lại giới tính chỉ cho phép người có khuyết tật bẩm sinh mới được phẫu thuật và xác định lại giới tính. Điều 5 Nghị định này quy định tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính chủ yếu liên quan đến "những bất thường về bộ phận sinh dục" và nhiễm sắc thể. Điều 4 khoản 1 nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính đã đóng lại cơ hội phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho người chuyển giới. |
Ít cơ hội việc làm, chăm sóc sức khỏe
Những định kiến khiến người chuyển giới khó xin được việc làm. Một số người có được công việc tạm thời trong quán ăn hoặc doanh nghiệp tư nhân, nhưng hầu như phải nghỉ việc sau một thời gian ngắn. Cơ hội làm việc đặc biệt khó với những người chuyển giới từ nam sang nữ. Họ thường muốn làm nghề dịch vụ, làm đẹp và biểu diễn. Nhưng do bị phân biệt đối xử từ trong gia đình nên họ ít được đầu tư để học và phát triển nghề nghiệp. Sự kỳ thị nặng nề trong nhà trường cũng làm cho họ khó theo học đến cùng. Thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình và không bằng cấp khiến cơ hội có việc làm của những người chuyển giới càng trở nên mong manh. Một nam chuyển giới sang nữ, 19 tuổi, ở TP Hồ chí Mình là một ví dụ. Vì hay chơi các trò con gái, anh thường bị các bạn nam trêu chọc. Một lần, anh mặc áo tay bồng đi học, thầy cô yêu cầu anh đi thay áo. Những kỳ thị đó khiến anh không chịu đựng nổi và bỏ học. Sau khi cãi lại gia đình vì bị xúc phạm là "pê đê", anh bị đuổi ra khỏi nhà và sống lang thang. Xin việc nhiều nơi không được, anh đi hát đám ma và bán dâm để kiếm sống.
Một vấn đề khác của người chuyển giới là sức khỏe. Nhu cầu hỗ trợ sức khỏe đặc thù của nhóm chuyển giới liên quan đến mong muốn thay đổi cơ thể sinh học. Đa số người chuyển giới từ nam sang nữ đều mong muốn được phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Hiện nay, việc mua ống hoóc môn "xách tay" từ Thái Lan hoặc Trung Quốc để tự chích và mua thuốc tránh thai để điều chỉnh hoóc môn tại các hiệu thuốc khá dễ dàng. Việc sử dụng hoóc môn và tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính không qua tư vấn của bác sĩ và những người có chuyên môn đem lại cho người chuyển giới những rủi ro lớn về sức khỏe.
Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở Châu Âu, hệ thống pháp luật áp dụng cho người chuyển giới, tập trung vào các cá nhân mong muốn phẫu thuật thay đổi giới tính - ủng hộ việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính trong các trường hợp đặc biệt và cho phép thay đổi trong giấy tờ cá nhân sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính và kết hôn với giới tính hậu phẫu thuật; đồng thời cấm phân biệt đối xử. Còn ở Việt Nam, pháp luật chưa cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính của mình, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống từ tìm việc làm, đi lại, đăng ký hộ tịch. Nên chăng, chúng ta hãy tham khảo những gì thế giới đã làm, để bảo đảm quyền lợi của người chuyển giới nói riêng cũng như sự bình đẳng của tất cả công dân nói chung.