Quyết tâm nội địa hóa nguồn nguyên liệu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 04/05/2013
Công ty May Nhà Bè là một trong những đơn vị có năng lực sản xuất, xuất khẩu lớn của ngành dệt may thành phố với doanh thu trên 3.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, nếu trông chờ vào nguồn nguyên liệu trong nước, chắc chắn công ty sẽ gặp nhiều rủi ro, trong khi đã rất khó khăn mới xây dựng được thương hiệu May Nhà Bè. Chính vì vậy, khoảng 70% nguồn nguyên liệu sản xuất công ty phải nhập từ nước ngoài.
Sẽ có nhiều "cánh cửa" mở ra cho doanh nghiệp dệt may thành phố. |
Cũng là đơn vị phải nhập khẩu nguyên liệu sợi, ông Trần Kim Thành, Giám đốc bán hàng Công ty May Sài Gòn cho biết, các nhà cung cấp sợi trong nước chỉ mới tập trung vào các loại sợi có giá trị gia tăng thấp, trong khi để sản xuất sản phẩm xuất đi Mỹ, EU… đòi hỏi sợi cao cấp.
Nhiều doanh nghiệp dệt may thừa nhận, để giảm chi phí, hạ giá thành thì việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước là một giải pháp khả thi. Chính vì vậy, nội địa hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ ngành dệt may trong nước được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu bông vải, xơ sợi từ cây keo, cây gai để phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ chuyên sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Việt Nam cũng đã có chiến lược phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt với mục tiêu diện tích cây bông vải đạt 30.000ha năm 2015 và 76.000ha vào năm 2020. Ngoài ra, chương trình phát triển vải dệt thoi đến năm 2015 bảo đảm một tỷ mét vải xuất khẩu cũng đang được đẩy mạnh. Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu bông xơ tập trung lớn, đồng thời có chính sách tài chính thích hợp khuyến khích phát triển các vùng trồng bông, đay, gai... không tập trung, để từ năm 2015 bảo đảm 60-65% nguyên liệu cho dệt và tiến đến xuất khẩu bông xơ. Đặc biệt cần xây dựng các chính sách và biện pháp trợ giúp đối với các vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để các vùng nguyên liệu phục vụ dệt may Việt Nam phát triển vững chắc.
Ngoài nguồn nguyên liệu, các chuyên gia cho rằng để ngành phát triển bền vững cần phải đầu tư phát triển ngành nhuộm bởi đây là công đoạn không thể thiếu. Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch các khu công nghiệp chuyên về ngành nhuộm với công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm phục vụ cho ngành dệt may và thuận lợi cho việc giám sát xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Thời cơ mới
Theo các chuyên gia, nếu thành công, tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu, sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may thành phố sẽ tăng lên rất nhiều, khi hàng loạt cơ hội chuẩn bị mở ra. Cụ thể, khi FTA Việt Nam - EU được thực hiện trong thời gian tới, mức thuế suất của ngành dệt may Việt Nam vào thị trường EU sẽ giảm (có thể từ 11,7% xuống 0%) sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn giúp ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thu hút được các nhà đầu tư Châu Âu cũng như các nước còn chịu mức thuế suất cao khi xuất khẩu sang EU.
Còn đối với thị trường Mỹ, ông Lê Quốc Ân, cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với các nước, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2015. Đây là điều kiện rất quan trọng để giúp hàng dệt may xuất sang Mỹ được hưởng thuế suất thuận lợi hơn rất nhiều so với một số nước khác như Trung Quốc, Bangladesh. Nếu Hiệp định TPP diễn ra thuận lợi thì xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng lên thành 12-13%/năm thay vì mức 8%/năm như hiện nay. Ngoài ra, TPP còn giúp tăng khả năng thu hút đầu tư vào các ngành dệt và nhuộm, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng dệt may địa phương, cải thiện lợi thế cạnh tranh.
Nhằm đón đầu xu thế này, bên cạnh đổ vốn lớn cho việc đầu tư nguồn nguyên liệu "nội", các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố đang chủ động đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu… Ngoài ra, thành phố cũng đã có những chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như miễn, giảm, giãn thuế thu nhập, hạ lãi suất cho vay… để giúp doanh nghiệp dệt may ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu, góp phần đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2013.