Điện thoại dẫn đầu các mặt hàng xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 10:48, 03/05/2013

Tuy mới xuất hiện từ vài ba năm nay, nhưng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (gọi chung là điện thoại) đã đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các mặt xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2013 (Triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Thống kê




Xuất khẩu mặt hàng điện thoại tương đối lớn bắt đầu từ năm 2010 với giá trị đạt 2.397 triệu USD, đưa mặt hàng này tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 2 tỷ USD trở lên. Năm 2011, điện thoại xuất khẩu đã nhanh chóng vượt lên đạt 6.886 triệu USD, cao gấp 3 lần năm 2010. Năm 2012 vượt qua dầu thô lên đứng thứ 2 với kim ngạch đạt 12.717 tỷ USD, cao gấp gần 2 lần năm 2011.

Năm 2013 mới qua 1/3 thời gian, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đã đạt 5.823 triệu USD, vượt qua dệt may lên đứng thứ nhất trong các mặt hàng xuất khẩu, tăng tới 87,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2012 so với năm 2000 đã cao gấp 5,3 lần, bình quân 1 năm tăng 130% - tốc độ tăng cao nhất trong các mặt hàng và cao hơn nhiều so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tương ứng là 1,6 lần và tăng 26,5%). Kết quả trong 4 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2013, điện thoại sẽ đạt đỉnh cao mới, có thể vượt qua mốc 20 tỷ USD và lần đầu Việt Nam có mặt hàng đạt kim ngạch vượt qua mốc này.

Mặt hàng điện thoại xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu do khu vực FDI sản xuất (chiếm tới 98,2%) và đã có mặt tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều nền kinh tế phát triển hoặc những nước mà Việt Nam thường nhập khẩu.

Trong các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu điện thoại sản xuất tại Việt Nam, có 24 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 18 thị trường đạt trên 50 triệu USD, đặc biệt có 14 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Nhiều nhất là Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (trên 816 triệu USD), tiếp đến là Đức (trên 397 triệu USD), Áo (trên 365 triệu USD), Anh (gần 279 triệu USD), Ấn Độ (gần 239 triệu USD), Nga (gần 198 triệu USD), Thái Lan (trên 194 triệu USD), Pháp (185 triệu USD), Italia (gần 174 triệu USD), Hong Kong (trên 158 triệu USD), Tây Ban Nha (trên 141 triệu USD)...

Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện cũng đã tăng nhanh. Năm 2010 là 1.495 triệu USD; năm 2011 là 2.593 triệu USD; năm 2012 là 5.042 triệu USD. Năm 2012 so với năm 2010 cao gấp gần 3,4 lần, bình quân 1 năm tăng 83,6%, tuy thấp hơn các con số tương ứng của xuất khẩu điện thoại, nhưng vẫn cao hơn nhiều các con số tương ứng của tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (1,34 lần và 15,8%/năm).

Năm 2013 mới qua 4 tháng đã nhập khẩu 2.277 triệu USD, tăng tới 89,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu để cả năm có thể vượt qua mốc 14-15 tỷ USD. Những thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc 1.148 triệu USD, chiếm tới trên 67,3% tổng số nhập khẩu điện thoại của cả nước; Hàn Quốc gần 525 triệu USD, chiếm 30,8%. Khu vực FDI nhập khẩu chiếm 86,3% tổng số.

Việc nhập khẩu này chủ yếu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và có một phần để tiêu dùng trong nước. Song cân đối chung thì trong quan hệ buôn bán với nước ngoài Việt Nam ở vị thế xuất siêu. Việt Nam xuất siêu với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, chỉ nhập siêu lớn với hai thị trường là Trung Quốc (nhập siêu tới 1.073 triệu USD, gấp gần 14,4 lần so với xuất khẩu) và Hàn Quốc (nhập siêu tới 484 triệu USD, cao gấp gần 12 lần so với xuất khẩu).

Điện thoại là mặt hàng xuất khẩu mới, có thị trường xuất khẩu khá rộng lớn. Năng lực sản xuất của sản phẩm này còn khá dồi dào, ngoài cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh, nay lại có thêm dự án có vốn đăng ký 2 tỷ USD ở Thái Nguyên. Đáng lưu ý, các dự án này có một số điểm nổi bật: (1) Quy mô rất lớn; (2) Được đăng ký và đưa vào sản xuất khá nhanh chóng và cũng nhanh chóng phát huy tác dụng; (3) Địa bàn có dự án có điều kiện phát triển nhanh. Chẳng hạn, Bắc Ninh từ khi có dự án sản xuất điện thoại các loại và linh kiện đã nhanh chóng phát triển công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tổng kim ngạch xuất khẩu lên đứng thứ hai cả nước và nếu tính bình quân đầu người sẽ cao nhất cả nước. Thái Nguyên cũng trở thành địa bàn có lượng vốn đăng ký lớn (đến nay đứng thứ 17 cả nước), gia nhập câu lạc bộ các địa bàn có lượng vốn FDI đăng ký từ 2 tỷ USD trở lên, hứa hẹn trở thành cực tăng trưởng các tỉnh miền núi phía Bắc.

Minh Ngọc