Quan hệ Bolivia - Chile: Thêm nguội lạnh vì đường ra biển
Thế giới - Ngày đăng : 07:03, 03/05/2013
Tổng thống Chile Sebastian Pinera (phải) nói chuyện với Tổng thống Evo Morales của Bolivia tại hội nghị thượng đỉnh CELAC-EU. (Ảnh: AP) |
Vụ tranh chấp pháp lý giữa hai quốc gia láng giềng tại Mỹ Latinh đã trở thành tâm điểm của dư luận khu vực và quốc tế. Dù đã tồn tại như một vấn đề khúc mắc nghiêm trọng giữa hai nước nhưng đây là lần đầu tiên La Paz nhờ một cơ quan pháp luật quốc tế phân xử thắng thua. Nguồn cơn của sự vụ bắt đầu từ chuyện hai quốc gia đồng minh Bolivia và Peru cùng thất bại trước Chile trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883). Hậu quả là Bolivia mất toàn bộ 400km bờ biển và khoảng 120.000km2 đất, còn Peru mất đất. Việc đánh mất phần lãnh thổ hành lang giáp Thái Bình Dương khiến Bolivia trở thành quốc gia không có biển, bị "khóa chặt" bên trong lục địa Nam Mỹ hơn 100 năm qua. Cho dù Bolivia và Chile cùng ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị vào năm 1904, thiết lập các đường biên giới chung, song Bolivia chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực buộc Chile phải trả lại đường ra biển. Thế nhưng, phía Chile đã thẳng thừng bác bỏ, cho rằng vấn đề trên là không thể đàm phán vì chính Bolivia đã ký hiệp ước năm 1904, công nhận biên giới lãnh thổ thực tế lúc đó giữa hai nước. Theo Tổng thống Chile Sebastian Pinera, đòi hỏi của Bolivia thiếu sức thuyết phục. Ông Pinera cũng tự tin tuyên bố sẽ bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ, lãnh hải và nước này sẽ không nhường chủ quyền cho bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, Tổng thống Morales cho rằng, sự bất hợp tác của Santiago trước yêu cầu đối thoại do La Paz đưa ra để giải quyết tranh chấp đã buộc Bolivia đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.
Việc chính quyền La Paz quyết định quốc tế hóa vấn đề nhạy cảm này cho thấy một sự căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai láng giềng vốn đã vô cùng lạnh nhạt, vì đây là hai quốc gia duy nhất tại Mỹ Latinh không có quan hệ ngoại giao. Triển vọng của sự giao lưu hạn chế giữa hai bên càng mờ nhạt hơn khi La Paz coi đây là một chiến lược phải được thực hiện và hoàn tất đến năm 2025. Những người ủng hộ cũng cho rằng đã đến lúc phải quốc tế hóa vấn đề vì Chile thật khó nhượng bộ một cách tự nguyện yêu cầu của "người hàng xóm". Trên thực tế, lấy lại đường ra biển là một mục tiêu mang lại nhiều lợi ích cho Bolivia. Nếu có biển, Bolivia sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy ngoại thương và thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển. Là một quốc gia nghèo tại Nam Mỹ, việc không thể tiếp cận Thái Bình Dương mênh mông đã khiến chi phí ngoại thương của Bolivia tăng cao tới mức tương đương 1,5% GDP. Ngoài ra, trong vùng đất bị Chile lấy mất có mỏ đồng Chuquicamata, mỗi năm đem lại nguồn lợi nhuận lên đến 7 tỷ USD.
Vì vậy, các nhà phân tích đều cho rằng, tranh chấp pháp lý giữa Bolivia và Chile chắc chắn sẽ kéo dài và phức tạp. Hiện chưa biết khi nào ICJ mới đưa ra phán quyết và phán quyết cuối cùng sẽ ra sao. Nhưng sự kiện tại Nam Mỹ đã tạo thêm một điểm nóng mới của các mối quan hệ quốc tế liên quan đến chủ quyền biển, đảo của thế giới.