Thương hiệu - ”Tự vệ” chính đáng của doanh nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 03/05/2013
Như vậy, hơn 6 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đây là lần thứ hai cơ quan quản lý nước ta sử dụng biện pháp tự vệ thương mại để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Trước đó (năm 2009), Bộ Công thương lần đầu tiên tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mã hàng kính nổi nhập khẩu. Đáng nói là trong khi đó, chuyện hàng hóa trong nước xuất khẩu ra nước ngoài bị kiện đã có nhiều.
Vì sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hay bị kiện? Nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia giải thích là do nước ta quá tập trung vào một số thị trường chủ lực dẫn đến giá trị xuất khẩu tăng đột biến; hoặc nước ta chủ yếu xuất khẩu hàng nguyên liệu thô nên giá cả hàng hóa thường rẻ. Nhưng ở chiều ngược lại, vì sao nhiều mặt hàng rõ mười mươi là hàng ngoại đang lấn át hàng nội nhưng chưa có biện pháp tự vệ thương mại nào được nước ta áp dụng? Vì hàng hóa của chúng ta chưa có thương hiệu quốc tế! Và nếu khi chưa có thương hiệu thì sự khởi kiện quốc tế chỉ là tiền mất tật mang, nếu không muốn nói là vô ích, "Con kiến mà kiện củ khoai" - Người Việt vẫn hay dùng câu đó. Thực tế trên thật khó chấp nhận và cần có sự thay đổi.
Bởi vậy, bên cạnh xây dựng thương hiệu thì tự vệ thương mại được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo hộ sản xuất trong nước. Đây là một trong những biện pháp được WTO cho phép các nước thành viên áp dụng với những tiêu chí cụ thể khi cần. Với chiếc "van" này, nước nhập khẩu có thể ngăn chặn tạm thời luồng hàng hóa nhập khẩu để giúp ngành sản xuất nội địa tránh được những đổ vỡ. Mặc dù đây là biện pháp được nhiều nước xem là "phao cứu sinh" và tìm mọi cách để áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam nó vẫn được cho là công cụ pháp lý mới mẻ. Bởi hiện nay, doanh nghiệp trong nước thiếu hiểu biết về các thủ tục cũng như phương pháp, kỹ năng cần thiết để sử dụng công cụ tự vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội ngành, hàng ở nước ta còn khá mờ nhạt, ít được doanh nghiệp tin tưởng có thể làm đơn vị đứng ra làm đại diện khởi kiện khi cần. Bên cạnh đó, các vụ kiện liên quan đến tự vệ thương mại thường rất phức tạp, nên gần như một doanh nghiệp không thể kham nổi, cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cùng một lĩnh vực. Đáng tiếc là những bất cập này lại là yếu điểm cố hữu của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua nên sự thua thiệt đã được dự báo trước.
Nói không quá, sự việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng dầu ăn nhập nhẩu vừa qua chỉ là dịp đánh thức "vũ khí" bị lãng quên mà lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể mạnh dạn xem xét sử dụng trong một số trường hợp khác. Đó là một đường hướng phát triển khó có thể bỏ qua trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt, điều đó càng cần thiết hơn khi hàng loạt Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam với một số đối tác sẽ có hiệu lực trong vài năm tới.