Hành trình hướng thiện
Giáo dục - Ngày đăng : 09:16, 30/04/2013
Với đặc thù như đã nói, ở bất kỳ giai đoạn nào, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được ngành GD-ĐT đặt ở nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhiều phong trào, cuộc vận động (CVĐ) nhằm thúc đẩy khí thế thi đua dạy tốt, rèn luyện giỏi đã được phát động trong toàn ngành như "Hai tốt", "Cô giáo - Người mẹ hiền"… Năm học 2007-2008, hưởng ứng phát động của Bộ GD-ĐT, Hà Nội tiếp tục triển khai CVĐ "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" nhằm nêu cao ý thức tu dưỡng của mỗi nhà giáo về mọi mặt, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong đội ngũ toàn ngành.
Cô trò Trường THCS Nguyễn Trãi trong ngày khai giảng. Ảnh: Bá Hoạt |
Hà Nội đã lồng ghép vào CVĐ những phong trào của riêng mình, trong đó, để lại dấu ấn sâu sắc nhất là phong trào "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu HS nghèo" và "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực"… Ba tiêu chí cụ thể của "nhà giáo mẫu mực" cũng đã được thống nhất trong toàn ngành là phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp... để mỗi nhà giáo tự soi mình, đặt ra kế hoạch phấn đấu. Theo đánh giá của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, nét nổi bật trong quá trình triển khai CVĐ là sự chuyển biến về ý thức tự giác, tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của bản thân mỗi nhà giáo nhằm hoàn thiện mình về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự kỳ vọng của xã hội. Sức lan tỏa sau 5 năm triển khai tại các nhà trường cho thấy CVĐ thực sự có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên và của cả xã hội chung tay thực hiện sứ mệnh "trồng người".
Để khích lệ tinh thần tự học, sáng tạo của mỗi nhà giáo, công đoàn ngành đã kêu gọi "Mỗi người một sự đổi mới" để mỗi năm, toàn ngành GD-ĐT có hàng trăm nghìn sáng kiến mới trong quản lý, giảng dạy. Năm năm qua, hơn 100 nghìn sáng kiến kinh nghiệm được phổ biến, ứng dụng vào thực tế. Mỗi năm còn có thêm hàng nghìn đồ dùng dạy học tự làm được các thầy cô đưa vào các tiết dạy. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được cải thiện về chất với 100% thầy cô có trình độ đạt chuẩn; tỷ lệ trên chuẩn ở các cấp học, ngành học đều cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc, trong đó cao nhất là ở tiểu học với 92% - gấp đôi so với tỷ lệ chung.
Hành trình "chạm" đến trái tim học trò
Từ CVĐ, nhiều tấm gương nhà giáo về sự tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, yêu thương đã được các thế hệ học trò tin yêu, phụ huynh quý trọng, xã hội tôn vinh. Tiêu biểu là 240 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; là hàng chục nghìn thầy cô tiêu biểu trong phong trào đỡ đầu HS nghèo, góp phần làm giảm tình trạng bỏ học, giúp các em vững chân tới trường. Mỗi nhà trường, mỗi nhà giáo đều đã cụ thể hóa các nội dung CVĐ để không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mà quan trọng hơn, là tự hoàn thiện để thực sự là tấm gương mẫu mực về mọi mặt, "chạm" đến trái tim mọi học trò.
Cô giáo dạy toán Lê Thu Hương (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hoàn Kiếm) là một trong những điển hình như thế. Gắn bó với HS khiếm thị, cảm nhận rõ sự thiệt thòi của những học trò thiếu may mắn, cô đã mày mò cả chục năm ròng để "viết" sách giáo khoa hình nổi, để bây giờ có được một thư viện sách giáo khoa hình nổi cho HS lớp 10, 11, 12. Với vật liệu "viết" sách chữ nổi bằng băng dính hai mặt, dễ làm, ý tưởng của chị được trao giải nhất toàn quốc về sáng tạo đồ dùng, đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí và thiếu thiết bị dạy học chuyên biệt.
Thầy giáo Nguyễn Đức Trường (THCS Đa Tốn, Gia Lâm) từ lâu được phụ huynh, HS kính phục bởi ý chí và nghị lực mạnh mẽ khi bản thân mắc bệnh hiểm nghèo song luôn tràn đầy nhiệt huyết, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học và là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị. Theo thầy Trường, nghề giáo không chỉ cần kiến thức mà còn phải yêu nghề. Càng yêu nghề, nhà giáo càng có thêm động lực để tu dưỡng, rèn luyện, có thêm lửa nhiệt tình truyền cho học trò.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không phải cứ vững chuyên môn, giàu nhiệt huyết là trở thành hình mẫu, được học trò yêu mến, kính phục. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa), người từng đoạt giải nhất kỳ thi dạy giỏi cấp TP, được nhiều đồng nghiệp nể phục, song luôn trăn trở vì chưa được đứng trong danh sách được HS tôn vinh hằng năm. Cô nhận ra rằng, nhiều khi mình đầu tư quá nhiều vào bài giảng mà ít chú tâm đến sự tiếp nhận của HS…
Rõ ràng, hành trình "chạm" đến trái tim học trò là quá trình dài với nhiều trăn trở của mỗi giáo viên. Đó cũng là hành trình tự hoàn thiện mình, để xứng đáng với sứ mệnh cao cả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp GD-ĐT và sự kỳ vọng của xã hội.