Sớm nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 30/04/2013

(HNM) - Mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) đang được thí điểm triển khai tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, đã mang lại lợi ích thiết thực


Chợ A12 Khương Thượng là mô hình chợ an toàn thực phẩm cần được nhân rộng.Ảnh: Đức Giang


Hà Nội hiện có 412 chợ và 30.000 điểm cố định kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống cấp thoát nước phục vụ kinh doanh tại các chợ đã xuống cấp, một số bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc bảo quản, chế biến hàng hóa, chất lượng phục vụ. Khoảng 70% thực phẩm bày bán tại chợ được cung ứng từ các tỉnh, thành nên lực lượng chức năng khó kiểm soát được chất lượng ATTP trong quá trình lưu thông. Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng mô hình chuẩn chợ bảo đảm ATTP. Chợ A12 Khương Thượng, quận Đống Đa được chọn làm mô hình thí điểm. Theo đó các sở, ngành chức năng có trách nhiệm quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, giết mổ, sơ chế, bảo quản; giúp tiểu thương chọn được nguồn thực phẩm sạch để kinh doanh; sau quá trình thí điểm, sẽ xem xét để áp dụng đồng bộ đối với các chợ trên địa bàn. Thành phố sẽ xác định danh mục cụ thể đối với 19 chợ bảo đảm ATTP.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, các sản phẩm được bày bán trong chợ ATTP sẽ có sự kiểm tra, kiểm dịch. Tiểu thương được tập huấn về vệ sinh ATTP, có giấy chứng nhận sức khỏe và được hỗ trợ, đầu tư địa điểm bán hàng sạch đẹp, từ đó có cơ hội xây dựng thương hiệu, uy tín về hàng hóa.

Sở Công thương Hà Nội sẽ xác định 19 chợ ở các quận, huyện, thị xã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình chợ này. Theo tiến độ, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi, cải tạo chợ thành chợ bảo đảm ATTP vào năm 2015. Để việc triển khai chợ ATTP đạt hiệu quả, các sở, ngành chức năng cần phối hợp với Sở Công thương và đơn vị quản lý chợ quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, khu giết mổ tập trung… giúp các hộ kinh doanh tại chợ mua sản phẩm sạch.

Thanh Hiền