Làm giàu trên vùng đất khó
Xã hội - Ngày đăng : 09:02, 30/04/2013
Men theo con đường lổn nhổn sỏi đá về xã Yên Bình, tiếp tục qua con dốc dài ngoằn ngoèo, chúng tôi có mặt ở lưng chừng đồi thôn Dục. Ngắm khu trang trại trồng đủ loại cây trái tươi tốt, bên trong là các dãy chuồng trại đầu tư xây dựng quy củ, chúng tôi cảm phục nghị lực của chủ nhân trang trại đã biến mảnh đất sỏi đá cằn cỗi này trở lên trù phú.
Ảnh minh họa |
Chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại, vốn là người Yên Phụ (Hà Nội). Trước khi lên vùng đất "khỉ ho, cò gáy" này, chị cũng từng có công việc ổn định ở một ngân hàng. "Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân và Cao học Quản lý kinh tế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhưng cuối cùng thì lại chọn cho mình nghề… chăn lợn. Để có vốn làm ăn, năm 2004, gia đình đã phải bán đi 2 căn nhà dưới thành phố, được hơn 2 tỷ. Từ bỏ phố phường tấp nập lên đây, anh em, họ hàng nhiều người khuyên can, có người còn cho là "gàn dở" nhưng tôi vẫn quyết". - Chủ nhân trại lợn rừng quy mô 5.000 con ở thôn Dục mở đầu câu chuyện về hành trình chinh phục vùng đất khó của mình.
Chị Hoa tâm sự, để chinh phục vùng đất này không dễ. Lúc mới lên, nơi đây rất heo hút, chỉ có vài nóc nhà. Thôn bị ngăn cách bởi 3 con suối và rất nhiều khe nhỏ bao bọc nên cách trở, không có đường vào và rắn thì nhiều vô kể. Ban đầu, chị nuôi gà Ai Cập, nuôi bò nhưng đều thất bại. Với suy nghĩ lợn rừng rất đắt, giá 300.000-400.000 đồng/kg mà lại dễ nuôi, chuồng trại cũng rất đơn giản. Lợn rừng không ăn cám công nghiệp, chỉ ăn rau, củ quả... trồng ngay trên đồi nên vốn đầu tư không nhiều. Suy đi tính lại, chị Hoa mạnh dạn mua giống về nuôi. Từ vài chục con ban đầu, đàn lợn nhanh chóng nhân lên quy mô 5.000 con trên diện tích 60ha. Với quy trình khép kín, trên là cây ăn quả, chè khổng lồ, cỏ VA 06 và các cây thảo dược trồng xen kẽ dưới tán cây vừa có tác dụng che mát cho lợn vừa là nguồn thức ăn. Chất thải của lợn vừa để bón cây, vừa nuôi giun quế làm thức ăn cho lợn lại cải tạo được môi trường. Đặc biệt, lợn rừng có sức đề kháng rất cao nên hầu như không bị bệnh. Nếu bị bệnh, thuốc chữa cũng là các loại cây cỏ trên rừng như cỏ nhọ nồi, lá ổi, lá sim, lá hoàn ngọc, cỏ hoa tím, khổ sâm, cỏ sữa…
Không phụ công người, đất khó đã cho quả ngọt. Đến nay, doanh thu mỗi năm từ trang trại của gia đình chị Hoa đạt khoảng 10 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hoa còn tạo việc làm ổn định cho 100 lao động địa phương làm các công việc như cắt cỏ, trồng rau, thảo dược và chăm sóc lợn với mức thu nhập 3-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị Hoa còn sẵn sàng giúp cung ứng con giống, chuyển giao KHKT cho những ai có nhu cầu.
Nhân rộng cách làm hay
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đặng Hồng Học, trước đây, ngoài trồng lúa, người dân trong xã cũng chăn nuôi trâu bò, gà lợn… nhưng chủ yếu là thả rông nên chậm lớn và thường xuyên gặp rủi ro bởi dịch bệnh… Đời sống của người dân còn khó khăn. Từ mô hình của gia đình chị Hoa, một số hộ trong xã đã học tập và chuyển hướng sang nuôi lợn rừng. Đến nay, cả xã có hàng chục mô hình làm kinh tế giỏi như trại lợn rừng của gia đình ông Hà Văn Thắng, quy mô 1.500 con; hộ gia đình chị Trần Thị Ngọc, nuôi 200 con … Mỗi trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho 2-10 lao động địa phương và quan trọng hơn, đã góp phần mang đến "nếp" làm ăn mới cho người dân nơi đây. Nghề nuôi lợn rừng tương đối ổn định. "Hiện tại, giá lợn rừng giống ở Hà Nội khoảng 350.000 đồng/kg và lợn thương phẩm từ 250.000 đồng/kg trở lên. Tuy đắt nhưng sức tiêu thụ thịt lợn rừng quá lớn, sản phẩm của trang trại xuất chuồng bao nhiêu được các công ty chế biến thực phẩm bao tiêu toàn bộ nên không lo đầu ra". - Chị Hoa cho biết.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng nhận định, Yên Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, kinh tế rừng và chăn nuôi… Nếu được tập trung nhân rộng, có thể tạo ra các bước đột phá lớn nâng cao thu nhập cho người dân và tiếp sức xây dựng nông thôn mới. Ngoài các mô hình chăn nuôi đã khẳng định được giá trị, huyện Thạch Thất đã và đang triển khai hàng loạt mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn xã như mô hình trồng hoa diện tích 3ha ở thôn Tân Lập cho hiệu quả 4 năm nay với giá trị thu nhập khoảng 800 triệu đồng/hécta/năm, hay mô hình trồng rau sạch quy mô15ha ở thôn Thu Mộ đang trong quá trình triển khai. Từ phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều gia đình trong xã đã có cuộc sống sung túc. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 12,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,9%.