Những người không cho đất nghỉ
Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 30/04/2013
mùa xuân ngự trị quanh năm quả không sai bởi đây là vùng hoa, cây cảnh đẹp có tiếng. Chủ nhiệm HTX Thương mại và dịch vụ Quảng An Vũ Hoa Thảo cho biết, HTX có 423 xã viên, trong đó 80% là xã viên nông nghiệp. Toàn phường hiện chỉ còn 42ha đất nông nghiệp nhưng có trên 22ha đất bãi ven sông Hồng chuyên trồng các loại hoa ly, lưu ly, thạch thảo, loa kèn… Gần 20ha còn lại được sử dụng trồng quất cảnh, cam, bưởi, cây cảnh các loại... Đất nông nghiệp còn quá ít nên người dân nơi đây quý đất như vàng. Nhiều hộ không còn đất nông nghiệp đã sử dụng cả sân nhà để trồng hoa, cây cảnh trên chậu hoặc hoa treo. Tổng doanh thu từ trồng hoa, quất cảnh trên địa bàn phường hằng năm ước đạt hơn chục tỷ đồng.
Những cánh đồng hoa tại phường Quảng An (Tây Hồ). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Tuy nhiên, theo nhiều người dân phường Quảng An, sản xuất nông nghiệp ở đây không chỉ đơn thuần là bắt đất "đẻ" ra tiền mà nó thể hiện niềm đam mê với nghề từ bao đời nay. Nơi đây, các hộ trồng cây cảnh, bình hoa treo để vừa có nguồn thu ổn định vừa làm đẹp không gian phố phường. Có lẽ vì thế mà phường Quảng An thu hút nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam tìm đến thuê nhà. Bà Nguyễn Thị Đông, tổ 33, khu phố 10 cho biết, đất ít nhưng với lòng yêu nghề và phương châm "không cho đất nghỉ" nhiều hộ vẫn gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Với 600m2 đất, vụ hoa loa kèn năm nay bà Đông đã thu về vài chục triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên Nguyễn Thị Ngàn nhận định: "Nằm cận đô như Tứ Liên mà nông dân không bám đất là đời sống bất ổn, tệ nạn xã hội cũng từ "nhàn cư" mà ra. Xác định được điều đó nên người nông dân ở Tứ Liên không cho đất nghỉ. Trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp giá trị cao cho thu nhập hàng chục tỷ đồng".
Về huyện Thường Tín, thăm "thủ phủ cây cảnh" - xã Hồng Vân mới thấy dù kinh tế khó khăn, đầu ra sản phẩm chậm nhưng màu xanh cây lá - sức sống của làng nghề không vì thế mà suy giảm. Vào nghề từ cách đây hơn chục năm, đến nay, anh Nguyễn Văn Chí, thôn Cơ Giáo đã là chủ của 5 vườn cây với tổng số 1.600 cây các loại, trị giá 150 tỷ đồng. Trong đó, cây có giá trị cao nhất lên đến 8 tỷ đồng, cây thấp nhất cũng 20 triệu đồng. Mỗi năm, trang trại cây cảnh của anh cho thu nhập trên dưới 5 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 20-25 lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, tại thôn Xâm Xuyên, anh Phạm Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên, cũng là ông chủ của 3 vườn cây cảnh (vườn rộng nhất lên tới hơn 2ha). Hiện vườn cây cảnh của anh Quỳnh có khoảng 1.000 cây các loại với tổng trị giá cả trăm tỷ đồng, mỗi năm cho thu nhập 3-5 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 30 lao động với mức lương 3-4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Quỳnh chia sẻ, ở đây mùa vụ quanh năm, không cho đất nghỉ dù chỉ một ngày. Sáng bứng những cây non đủ ngày lên chậu, chiều đã giâm ngay lứa cây mới. Ở Hồng Vân vì thế bốn mùa là một màu xanh bất tận.
Chủ nhiệm HTX Ngọc Động (xã Phương Tú, Ứng Hòa) Lê Văn Tín tự hào cho biết: Theo dõi cả một quá trình vận động, phát triển của vùng đất canh tác đầy khó khăn này mới thấy hết sự năng động, dám nghĩ dám làm và tình yêu với đất đai, ruộng đồng của người nông dân. Cũng đồng đất ấy, cũng những con người ấy, nhưng khi được dồn điền đổi thửa, được đầu tư khoa học kỹ thuật thì cuộc sống của người nông dân sẽ thực sự đổi thay. Ở Phương Tú bây giờ không chỉ có các mô hình trồng hoa cho thu nhập cao, mà mô hình xen canh lúa - cá - vịt… cũng đã khẳng định hiệu quả trên đồng đất từ hơn chục năm nay. Bì bõm cùng chủ nhiệm HTX NN Phương Tú ra khu chuyển đổi, câu chuyện anh kể đan xen quá khứ, hiện tại về mảnh đất này khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Với diện tích đất canh tác hơn 100ha, mảnh đất "chiêm khê, mùa thối", luôn nghèo và thiếu thốn giờ đã lùi vào quá khứ khi mà 100% diện tích của xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa từ năm 2003. Hiện, xã có 135 hộ xây dựng được mô hình trang trại đa canh trên diện tích 214,8 mẫu, đem lại thu nhập trung bình trên 150 triệu đồng/ha/năm.. HTX cung ứng đầy đủ các dịch vụ thiết yếu cho nông dân từ tập huấn KHKT, giống, vật tư phân bón, làm đất, bảo vệ đồng điền, BVTV…
Dẫu vẫn còn đó những vất vả của nghề nông, giá cả bấp bênh, thiên tai, dịch bệnh rình rập… nhưng với những người nông dân tôi gặp từ những vùng nông nghiệp thâm canh giá trị cao như quận Tây Hồ đến những vùng trũng khó khăn như Ứng Hòa vẫn luôn sáng một niềm tin: Gắn với đất, yêu đất, đất sẽ không phụ công người.