Ngành viễn thông: Biến hàng xa xỉ thành bình dân

Xe++ - Ngày đăng : 08:08, 30/04/2013

(HNM) - Những năm qua, ngành viễn thông luôn đạt mức tăng trưởng về mọi mặt. Theo báo cáo doanh thu toàn ngành vẫn đạt mức cao bất chấp suy thoái kinh tế.


Kết thúc năm 2012, cả hai tập đoàn VNPT và Viettel đều đạt doanh thu cao, với VNPT là hơn 120.000 tỷ đồng, Viettel hơn 130.000 tỷ đồng; lợi nhuận thì ở mức "khủng" với VNPT là hơn 8.600 tỷ đồng, Viettel khoảng 24.000 tỷ đồng. Một doanh nghiệp (DN) khác là Tập đoàn FPT, tuy được biết đến là DN dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu phần mềm, nhưng doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh internet của đơn vị này vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Các DN như VNPT, Viettel cũng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước với số tiền trên, dưới 10.000 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đội ngũ CBCNV.

Khách hàng đến giao dịch tại một điểm kinh doanh của Mobifone.Ảnh: Thanh Hải


Theo bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất do Tổng cục Thuế công bố hồi đầu năm nay thì ngành viễn thông được xếp đầu bảng với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt cao nhất… Chừng đó thông tin để minh chứng cho thấy, những năm qua ngành viễn thông đã có những phát triển mạnh và được đánh giá là bền vững. Nhưng, đó mới là những con số, mà quan trọng là sự phát triển này đem lại gì cho xã hội? Hay nói một cách cụ thể là người dân được lợi gì?

Trên thực tế, lĩnh vực này trong 10 năm qua hầu như chỉ giảm giá và thực hiện khuyến mại. Cũng từ đó các dịch vụ viễn thông trở thành một nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc giao lưu, trở thành phương tiện hữu hiệu trong sản xuất, kinh doanh… Trước hết, tạm chia viễn thông với 3 mảng dịch vụ: điện thoại cố định, di động và internet. Với điện thoại cố định, đây là mảng dịch vụ truyền thống đã có mặt lâu đời, là phương tiện liên lạc chủ yếu của người dân khi mà giá cước dịch vụ di động đang ở "hàng xa xỉ". Dịch vụ cố định chỉ thực sự phát triển từ năm 2005 trở đi, sau khi Tập đoàn VNPT thực hiện từng bước chuyển đổi mạng lưới sang dùng mạng thế hệ mới NGN - công nghệ cho phép cung cấp đa dịch vụ, từ đó góp phần hạ giá thành. Điện thoại cố định từng có thời kỳ phát triển cực thịnh với lượng thuê bao khoảng 16 triệu khách hàng, trong đó VNPT có 12,5 triệu thuê bao. Với sự phát triển của dịch vụ di động, điện thoại cố định đã lùi sau - đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu, khách hàng bỏ hoặc ít dùng cố định chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông khác. Tiếp đến là dịch vụ di động, có mặt tại Việt Nam được 20 năm (bằng việc mạng MobiFone ra đời) đến nay có sự phát triển như vũ bão. Nếu như hơn 10 năm trước đây, chỉ những người có thu nhập cao hoặc người giàu ở thành thị mới dùng di động, thì dăm năm trở lại đây người có thu nhập bình dân, người sống ở vùng sâu vùng xa cũng được sử dụng. Có một dẫn chứng ngoài lề là nếu như 3-4 năm trước người có thu nhập khá trở lên mới dùng được điện thoại thông minh thì nay cả người có thu nhập trung bình cũng được sử dụng (khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc) và từ đó được sử dụng một loạt tiện ích trên di động… Di động cũng là dịch vụ liên tiếp giảm cước và thực hiện khuyến mãi "khủng" cho khách hàng. Với lĩnh vực internet có mặt ở Việt Nam đã hơn 15 năm và cũng có những phát triển vượt bậc, trở thành công cụ thiết yếu của người dân, DN… Đến nay có 31 triệu người được sử dụng internet, đưa Việt Nam trở thành top 20 quốc gia có nhiều người dùng internet nhất thế giới. Xin nói thêm, internet giờ trở thành công cụ không thể thiếu với nhiều người dân, với các cơ quan, DN… khi nó đã tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả.

Để ngành viễn thông phát triển như hôm nay phải nói đến chủ trương, chính sách kiên quyết mở cửa thị trường nhằm xóa bỏ độc quyền. Bài học của ngành viễn thông trong mở cửa thị trường có lẽ đến nay vẫn cần phải được bàn và áp dụng cho các ngành khác. Bên cạnh đó, vai trò của các DN trong việc đầu tư mạng lưới, thực hiện "bình dân hóa" dịch vụ, nhưng vẫn không quên việc tối ưu hóa chi phí, sắp xếp bộ máy, và chấn chỉnh thái độ phục vụ để nâng cao sức cạnh tranh… Tất cả những yếu tố này đều hướng tới người dân được hưởng lợi và kết quả là các tập đoàn đều có doanh thu, lợi nhuận cao.

Việt Nga