Kinh tế đối ngoại khởi sắc

Kinh tế - Ngày đăng : 08:06, 30/04/2013

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và chưa tìm được cơ hội cũng như sự chuyển biến để bứt phá, riêng hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn vươn lên, đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Thủy sản luôn là một trong 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Ảnh: Mai Vy



Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2013 cả nước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 23,6% kế hoạch được giao. Đây là kết quả tích cực của hoạt động thương mại những tháng đầu năm, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trong KNXK vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và tiếp tục là động lực của tăng trưởng chung. Đến nay, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có sự tăng trưởng, cho thấy sự đồng đều trong hoạt động xuất khẩu. Đáng lưu ý, đã có 10 nhóm hàng đạt KNXK đạt hơn 1 tỷ USD là thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng và phương tiện vận tải. Bộ Công thương dự báo, số lượng nhóm hàng đạt KNXK hơn 1 tỷ USD sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện nay đã xuất hiện một số tín hiệu đáng mừng về khả năng duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng tới. Đó là ngành dệt may, giày dép đang thuận lợi vì thị trường thế giới tăng sức cầu với xu hướng sẽ cao hơn năm trước. Từ đó, đơn hàng dành cho DN trong nước cũng gia tăng, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý II, thậm chí quý III.

Chính phủ đang chỉ đạo sát sao các hiệp hội, DN khối TƯ và địa phương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ thời cơ xuất hàng sang Hoa Kỳ, EU. Vừa qua, Bộ Công thương đã ký kết biên bản hợp tác về xuất nhập khẩu hàng nông sản với Bộ Thương mại Trung Quốc, trong đó có nội dung hai bên sẽ hỗ trợ DN Việt Nam gia tăng KNXK các loại nông sản sang nước bạn. Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, đây là động thái tích cực, có tác dụng thúc đẩy và tạo điều kiện bền vững cho chuỗi hoạt động sản xuất đến xuất khẩu nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam (nhưng thường rơi vào tình trạng bị ép giá mỗi khi được mùa). Từ đó, nông dân cũng như DN sẽ tăng niềm tin trong giao thương. Đồng thời, gia tăng KNXK cũng góp phần thu hẹp nhập siêu của Việt Nam trong quan hệ thương mại song phương Việt - Trung.

Cùng với xuất khẩu, hoạt động thu hút vốn ĐTNN cũng có sự bứt phá ngoạn mục, là sự "đảo chiều" khá đột ngột khi lượng vốn mới thu hút trong tháng 3 tăng vọt, nâng tổng vốn mới đăng ký trong quý I lên 6,034 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012. Các chuyên gia xác nhận, sau vài năm vắng bóng những kết quả mong đợi về ĐTNN, nay sự bứt phá đã trở lại là thực tế đáng mừng. Đó là sự xuất hiện của một số dự án có quy mô rất lớn về vốn, thuộc những lĩnh vực quan trọng và có công nghệ hiện đại, hứa hẹn sức lan tỏa rộng, có thể tác động tích cực đối với hoạt động kinh tế khu vực, trong đó có các dự án: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD vừa động thổ; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên đang triển khai, với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử. Dự kiến, khi vào hoạt động, những dự án tầm vóc trên sẽ mang lại nhiều kết quả đáng kể, đóng góp cho ngân sách và sự gia tăng mạnh về KNXK đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh, liên tục đối với nền kinh tế. Mới đây, tỉnh Bình Định cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH BUSCENTER MET (Nga) xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt, phụ tùng và các loại máy nông nghiệp. Dự án có tổng vốn đầu tư tới 1 tỷ USD và dự kiến sẽ được xây dựng trên diện tích 50ha ở KCN Nhơn Hòa (Bình Định). Đáng lưu ý, chủ đầu tư vào cuộc với cam kết sẵn sàng triển khai để đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động sau 36 tháng. Nhìn chung, các tập đoàn, DN nước ngoài vẫn mong muốn đầu tư lâu dài ở Việt Nam bởi yếu tố thuận lợi về địa lý, vận tải cũng như thế mạnh về thị trường và sự ổn định về chính trị, KT-XH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, những tháng tới vẫn có khả năng cấp phép cho một số dự án ĐTNN mới, có quy mô và chất lượng "ra tấm, ra món", phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế và tăng cường năng lực cho đất nước. Tuy nhiên, giới đầu tư quốc tế đang lo ngại về sự yếu kém trong hệ thống hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, hoặc thủ tục hành chính chưa chuyển biến như họ mong đợi. Nếu những tồn tại này kéo dài sẽ là nguyên nhân cản trở sự có mặt của những dự án ĐTNN.

Như vậy, hoạt động xuất khẩu và ĐTNN đã, đang nổi lên là điểm sáng, bù đắp cho những "mảng tối" của nền kinh tế. Điều đó rất đáng ghi nhận trong bối cảnh còn nhiều thách thức vẫn ở phía trước…

Anh Minh