Thành phố Hồ Chí Minh 38 năm sau ngày giải phóng

Đời sống - Ngày đăng : 07:57, 30/04/2013

(HNM) - Từ một đô thị chỉ có dân số khoảng 3,4 triệu người (1975), sau 38 năm kể từ ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã lập kỷ lục về quy mô dân số (trên 7,5 triệu người, chưa kể dân nhập cư), đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước.


Sau 38 năm giải phóng, hạ tầng đô thị được coi là một trong những đột phá lớn nhất của thành phố khi triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm giúp giảm thiểu ách tắc cho khu vực nội đô, tăng khả năng kết nối lưu thông với các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, trong số 10 công trình tiêu biểu của cả nước, TP Hồ Chí Minh chiếm một nửa, với nhiều công trình tiêu biểu như công trình hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) hiện đại nhất Đông Nam Á, với chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, gồm 6 làn xe lưu thông cho cả ôtô và xe máy; Đại lộ Võ Văn Kiệt, có chiều dài toàn tuyến là 21,89km, được ví như "con rồng" uốn lượn kết nối giữa thành phố với 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vốn là "vựa" sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất của cả nước; cầu Phú Mỹ (cầu dây văng hiện đại và lớn nhất thành phố); đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công trình kỷ lục về thời gian và cải tạo cảnh quan đô thị, nâng cao năng lực giao thông của thành phố); tòa nhà Bitexco Financial Tower (cao 68 tầng) là hạ tầng cao ốc cao nhất thành phố…

Sau 38 năm giải phóng, TP Hồ Chí Minh được so sánh như một “Singapore mới” tại Việt Nam. Ảnh: Chí Lâm



Cho đến nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút hoàn thành các công trình giao thông quan trọng khác như: Cải tạo, nâng cấp đường vành đai phía đông, mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2, đường Vành đai - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi... Riêng năm 2013, thành phố đã lên kế hoạch tập trung xây dựng 40 công trình giao thông quan trọng, với tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản 16.770 tỷ đồng.

Với hạ tầng đô thị hiện đại và ngày càng được hoàn thiện, TP Hồ Chí Minh đã được tạp chí kinh tế nổi tiếng của Anh (The Economist) so sánh như một "Singapore mới" tại Việt Nam. "Sau hơn 20 năm kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, sự khắc khổ một thời chỉ còn là những ký ức mơ hồ… Từ đường Đồng Khởi (quận 1), với hàng loạt cửa hiệu thời trang mang nhãn hiệu của các nhà thiết kế danh tiếng, giờ đây trông chẳng khác khu phố Bond tại London (khu phố thời trang tại quận Mayfair của thủ đô nước Anh, nổi tiếng từ thế kỷ XVIII)".

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống nhất

Tính đến năm 2012, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng GDP của TP Hồ Chí Minh đã bứt phá, tăng gấp 1,8 lần so với cả nước. Trong năm 2013, TP tiếp tục đặt mục tiêu nâng tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 (khoảng 9,5-10%). Riêng GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD/ người/năm. Đây là một trong những con số mơ ước đối với nhiều thành phố trực thuộc trung ương khác trên cả nước.

Trong lĩnh vực xã hội, thành phố cũng là địa phương dẫn đầu trong cả nước về thành công trong triển khai các chính sách an sinh. Có thể kể đến các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Trong đó, nhiều chương trình và giải pháp cho người nghèo cần việc làm, như: Quỹ CEP, Quỹ 140, Quỹ 71... đã được thành phố triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2009-2012, thành phố đã giúp cho trên 113.000 hộ có thu nhập vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,4% xuống còn 2,12% vào cuối năm 2012. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mục tiêu đến cuối năm 2013, thành phố sẽ phấn đấu tiếp tục kéo giảm tỷ lệ này xuống còn dưới 2% tổng hộ dân trên địa bàn.

Sau chính sách về giảm nghèo, thành phố cũng đi đầu cả nước trong các chính sách, chương trình về thị trường lao động tích cực như: Đào tạo nghề, hỗ trợ người tìm việc, tự tạo việc làm hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Tính đến nay, toàn thành phố đã có trên 400 cơ sở dạy nghề với đội ngũ giáo viên là trên 5.000 người, thu hút được trên 42.000 học sinh trung cấp nghề và học viên cao đẳng nghề và khoảng 320.000 học viên sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 58%.

Nhìn từ một góc độ khác, mặc dù phải thừa nhận chất lượng dịch vụ y tế trên cả nước cho đến nay vẫn là điểm người dân chưa hài lòng nhưng thành phố cũng đã có được một số bước đi đầu tiên. Riêng chế độ chính sách cho những người hưởng BHXH thường xuyên, bao gồm những người hưởng chế độ hưu trí đã được thành phố quan tâm giải quyết. Theo báo cáo của BHXH TP Hồ Chí Minh, hiện số người hưởng BHXH thường xuyên tăng dần qua các năm. Về BHYT, toàn ngành đã có sự phối hợp với các cơ sở y tế để bảo đảm cho hàng triệu người đi khám và chữa bệnh theo BHYT. Công tác quản lý BHXH ngày càng nền nếp, công tác giám sát ngày càng được tăng cường và mạng lưới thu - chi ngày càng được mở rộng. Để bảo đảm việc thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội gắn với an sinh xã hội cho các hộ nghèo tại thành phố, các cơ quan về bảo hiểm cũng đã tích cực giải quyết cho trên 448.000 thẻ bảo hiểm cho người nghèo. Thành phố cũng đã cấp 164.000 thẻ BHYT cho người nghèo, hộ nghèo có mức thu nhập bình quân dưới 8 triệu đồng/người/năm và 45.000 thẻ BHYT cho người nghèo, hộ nghèo có mức thu nhập bình quân 8-12 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những mô hình, điểm sáng so với cả nước, một trong những thách thức lớn của TP Hồ Chí Minh cho đến nay là chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư còn cao và có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề hệ trọng mà chính quyền thành phố sẽ phải nỗ lực rất lớn trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Minh Luân