Chiến dịch Hồ Chí Minh: Đòn tiến công chiến lược

Chính trị - Ngày đăng : 07:25, 30/04/2013

(HNM) - Thắng lợi to lớn của các chiến dịch Tây Nguyên, Quảng Trị - Thừa Thiên, Huế - Đà Nẵng đã làm cho tinh thần chiến đấu của quân ngụy Sài Gòn giảm sút nghiêm trọng.


Ngày 31-3-1975, trong cuộc họp mở rộng, Bộ Chính trị nhận định: Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Nghị quyết của Bộ Chính trị nhanh chóng được quán triệt đến toàn quân, toàn dân. Cả nước tưng bừng khí thế ra trận "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng". Từ ga Hàng Cỏ, các cảng sông, cảng biển, sân bay... các đoàn tàu hỏa, thuyền, máy bay, kể cả một số máy bay chở khách cũng được huy động để chở bộ đội, xe tăng, pháo lớn, vũ khí, đạn... huy động cho chiến trường miền Nam.

Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu



Tháng 4 ở Trường Sơn, trời nóng, cát bụi ngập một phần bánh xe. Hàng trăm xe tải lớn nối đuôi nhau như một dòng sông bụi khổng lồ. Bộ đội ngủ ngay trên xe. Mỗi xe là một phân đội chiến đấu. Tắc đường, tự khắc phục, xe trước hỏng nhường đường cho xe sau. Mỗi xe có hai người lái thay đổi, chạy liên tục từ 18 đến 20 giờ một ngày. Thiếu nước làm mát cho xe thiết giáp, cả Lữ đoàn công binh 209 chịu khát, dồn các bi đông nước cho xe. Gặp đoạn đường lầy do mưa lớn, bộ đội lập tức mở một con đường vòng qua bãi lầy ngay trong đêm. Ô tô, tàu hỏa, máy bay, tàu biển hầu như chỉ nhằm một hướng Sài Gòn thẳng tiến. Để đáp ứng với yêu cầu của chiến trường, ngày 7-4, một mệnh lệnh ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được truyền nhanh đến từng cán bộ, chiến sĩ "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Trên thành xe, trên mũ, trên thân cây dọc đường... mệnh lệnh được viết thành khẩu hiệu, thôi thúc đoàn quân nhanh hơn nữa. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tập trung được một lực lượng lớn đến mặt trận. Theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị "đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh". Ai nấy đều tự hào được tham gia chiến dịch mang tên Bác.

Sau những thất bại ở Phan Rang, Xuân Lộc, kế hoạch phòng thủ từ xa bị phá sản, quân địch rất hoang mang, đối phó bị động. Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ tuyên bố "cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ" và lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn. Trước đó, ngày 21-4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, bỏ chạy ra nước ngoài, Trần Văn Hương lên thay. Lực lượng còn lại của địch cố bám giữ Sài Gòn. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công giải phóng Sài Gòn từ năm hướng: tây - bắc; bắc - đông bắc; đông - đông nam; tây và tây nam. Năm mục tiêu chủ yếu ở nội thành được xác định là: Bộ Tổng tham mưu; sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô; Tổng nha Cảnh sát; dinh Độc Lập. Từ ngày 20 đến ngày 25-4, các đơn vị lần lượt vào vị trí triển khai, chờ lệnh nổ súng.

17h ngày 26-4-1975, trận tổng công kích vào Sài Gòn bắt đầu. Chiến trường Nam bộ bùng lên như một cơn lốc. Ở Tổng hành dinh, tin chiến thắng dồn dập bay về. Cán bộ tác chiến, quân báo, thông tin, cơ yếu, ai cũng thấy như mình đang ở ngay mặt trận, cùng đồng đội, đồng bào tiến công và nổi dậy góp sức giành toàn thắng. Cùng lập công với các binh đoàn chủ lực, 15h10 ngày 28-4, một biên đội mang tên "Phi đội Quyết thắng" gồm 5 máy bay A37 do hai phi công Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Thành Trung điều khiển đã ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất làm rung chuyển cả Sài Gòn. Quân địch kinh hoàng vì bất ngờ. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn. Đến chiều 28-4, sau hai ngày đêm chiến đấu, quân đội ta đã phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tăng cường vây ép Sài Gòn. Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy bỏ chạy. Trần Văn Hương từ chức tổng thống, Dương Văn Minh lên thay.

Sáng 29-4, tại Tổng hành dinh, Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình chiến sự trên chiến trường, các mục tiêu lần lượt được giải phóng. Sài Gòn hỗn loạn. Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, cử đại diện đến trại Davit ở Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn ta trong Ban liên lạc đình chiến để "thương lượng". Tổng Tư lệnh nói: "Chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Còn gì đâu mà thương lượng". 5h30 sáng 30-4-1975, từ khắp các hướng, bộ đội ta ào ạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tiếng xe tăng, tiếng động cơ của hàng nghìn xe cơ giới vang rền, chấn động các ngả đường vào nội thành. 10h45, xe tăng 843 và xe tăng 390 dẫn đầu đoàn quân húc đổ cánh cổng sắt đánh chiếm dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động đến trào nước mắt, ai nấy đều nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Từ Thủ đô Hà Nội đến các hải đảo xa xôi và những bản làng hẻo lánh đều vang lên tiếng reo mừng Sài Gòn giải phóng. Cả dân tộc ca vang khúc khải hoàn: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

Đại tá Dương Văn Thụy