Chợ tạm “tái chiếm” phố Gia Ngư

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:53, 29/04/2013

(HNM) - Nhằm xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn và trả lại cảnh quan cho khu vực phố cổ, cuối tháng 7-2010, UBND quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng đã tiến hành giải tỏa chợ tạm Hàng Bè tại khu vực phố Gia Ngư (thuộc địa bàn phường Hàng Bạc).

“Vô tư” bày bán hàng ở lòng đường.


Sáng 26-4, có mặt tại phố Gia Ngư, phóng viên nhận thấy cảnh người mua, kẻ bán trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra khá tấp nập. Nước, rác thải từ các hàng ăn, hàng bán đồ hải sản... xả ra lòng đường, bốc mùi tanh tưởi cả khu vực. Ngay ở đầu phố Gia Ngư, người bán hàng rong công khai ngồi bày bán, chiếm mất một phần lòng đường. Dưới lòng đường, trên vỉa hè, hàng rau, hàng hoa quả... người ngồi dọc, kẻ quay xuôi; từng hàng xe máy, xe đạp cái xếp dọc, cái xếp ngang tràn hẳn ra giữa lòng đường. Biển báo với nội dung: "Cấm họp chợ dưới mọi hình thức, lấn chiếm lòng đường để kinh doanh, để xe đạp, xe máy dưới lòng đường, xả rác thải ra đường phố", dọc phố của UBND phường Hàng Bạc không có tác dụng. Thậm chí, khu vực trước trụ sở làm việc của bộ phận quản lý trật tự đô thị UBND phường Hàng Bạc lại là nơi người dân tập trung kinh doanh lộn xộn, lấn chiếm lòng đường nhiều nhất.

Không chỉ có vậy, mặt cắt của tuyến phố không rộng, nhưng nhiều xe taxi vô tư đỗ ở bên đường, khiến các phương tiện qua lại rất khó khăn, nhiều khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Tại khu vực cuối phố (đoạn tiếp giáp với phố Hàng Đào), tình trạng lộn xộn còn diễn ra phức tạp hơn. Các hộ kinh doanh còn ngang nhiên biến vỉa hè ở khu vực này thành nơi bày các sạp quần áo. Dưới lòng đường, một phần được bố trí làm điểm trông giữ xe máy, xe đạp do Công ty cổ phần Đồng Xuân quản lý. Tuy nhiên, do lượng xe gửi ở đây nhiều khi quá tải dẫn đến tình trạng bãi xe gần như "chặn" hết lối đi của người đi đường.

Được biết, sau khi chợ Hàng Bè di dời, phố Gia Ngư đã được đầu tư chỉnh trang, lòng đường được thảm nhựa, vỉa hè được lát đá, hằng ngày có rất đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài qua lại. Nếu để chợ "cóc" ngang nhiên "tái chiếm" như hiện nay thì bao nhiêu công lao, tiền của, công sức bỏ ra để giải tỏa chợ Hàng Bè cũ trở nên vô nghĩa.  

Duy Biên